Trước đây, trường Tiểu học Tây Tiến, tuy ở ngay thị trấn Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Trường chỉ có 14 phòng học để phục vụ đến 635 học sinh. Thay vì được học 2 buổi, các học sinh chỉ được học 1 buổi và phải chia ca. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học của toàn trường. Đầu năm 2017, trường được đầu tư thêm 6 tỉ đồng để xây một khu lớp học mới.
Thông qua ĐTQM, với thủ tục đơn giản nhưng vẫn đảm bảo tối đa tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH TM Mạnh Tuân đã nhanh chóng hoàn thiện và đưa loạt phòng học mới của trường vào sử dụng sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.
“Nhà trường có đủ các phòng học cũng như là các phòng chức năng. 100% các em học sinh trong nhà trường được học 2 buổi trên ngày. Có lẽ đây là điều kiện quan trọng nhất để giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học”, bà Trần Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tây Tiến vui mừng chia sẻ.
Giờ đây các em học sinh trường tiểu học Tây Tiến được đi học 2 buổi/ngày trong phòng học rộng rãi, khang trang hơn. |
Chiềng Khoa, một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, cũng đã có không ít dự án thành công nhờ áp dụng đấu thầu qua mạng trong năm 2017. Một điển hình là lớp học mầm non bản Páng, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ. Cũng giống như hầu hết các trường mầm non trên tỉnh miền núi này, trường còn thiếu nhiều cơ sở hạ tầng, thiếu phòng học chức năng cho các bé.
Sau khi nhận được vốn đầu tư từ chương trình giảm nghèo 135, trường mầm non bản Páng được đầu tư để xây thêm 3 phòng học mới, sân chơi và khu vệ sinh khang trang. Các gói thầu thuộc dự án này cũng được đấu thầu qua mạng, kết quả trúng thầu là một nhà thầu ở Hà Nội - Công ty CPĐT Xây dựng hạ tầng đô thị Hà Nội. Theo chia sẻ của Ban quản lý dự án, ĐTQM đã giúp cho dự án có tỉ lệ tiết kiệm đến hơn 10%.
Đóng góp của ĐTQM trong 9,59% tăng trưởng GRDP năm 2017
Trường tiểu học Tây Tiến, lớp mầm non bản Páng chỉ là 2 trong tổng số 53 gói thầu được tỉnh Sơn La thực hiện đấu thầu qua mạng trong năm 2017.Với một tỉnh được đánh giá là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, cơ sở hạ tầng khó khăn, dịch vụ giáo dục còn gặp nhiều trở ngại, vấn đề an sinh xã hội còn chưa được giải quyết triệt để, thì đây là một chủ trương cấp tiến và có tính đột phá.
Chủ trương này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, mà còn giúp cắt giảm các thủ tục hành chính, chỉ phí chuẩn bị hồ sơ trong quá trình đấu thầu, từ đó tiết kiệm chi phí đầu tư. Các công trình thuộc dự án nhanh chóng được đưa vào sử dụng, góp phần giải bài toán khó khăn về cơ sở hạ tầng mà tỉnh đang gặp phải.
Đấu thầu qua mạng được kỳ vọng sẽ dần thay thế đấu thầu trực tiếp để trở thành tương lai của đấu thầu Việt Nam. |
Năm 2017, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Sơn La ước tăng 9,59% so với năm 2016. Có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính trong đó có đấu thầu qua mạng là một trong những nhân tố tác động tích cực vào sự phát triển chung này.
Với những lợi ích vượt trội của ĐTQM so với đấu thầu truyền thống, tỉnh tiếp tục chủ trương tăng cường áp dụng cách thức đấu thầu, hiện đại này trong những năm kế tiếp. Trong mục tiêu phát triển năm 2018 do Sở Kế hoạch và Đầu tư của Sơn La soạn thảo có ghi rõ: "Trong năm 2018, tỉnh đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ".
Đấu thầu qua mạng: xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại 4.0
Từ câu chuyện của Sơn La, có thể nhìn thấy những lợi ích rõ ràng của ĐTQM. Trước hết, đấu thầu qua mạng điện tử hoá hầu hết các thủ tục đấu thầu, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, nhân lực dành cho công tác đấu thầu, qua đó, tiết kiệm chi phí, thời gian và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Nói cách khác, ĐTQM giúp tăng hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực đầu tư công. Theo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, tỷ lệ tiết kiệm ĐTQM đạt 9%, cao hơn so với đấu thầu trực tiếp là 7% trong năm 2017 (cập nhật theo báo cáo đấu thầu năm 2017 của Bộ KH&ĐT).
ĐTQM giúp các nhà thầu tiếp cận một cách dễ dàng các cơ hội kinh doanh từ các dự án mua sắm công trên khắp cả nước. Một môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch mở ra cho các nhà thầu. Khi thực hiện đấu thầu qua mạng, sẽ không còn nữa những hiện tượng như không mua được hồ sơ mời thầu, không nộp được hồ sơ dự thầu hay thông đồng trong đấu thầu,… ĐTQM giúp tăng tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong đấu thầu, giúp chủ đầu tư, bên mời thầu có thể chọn được nhà thầu đủ năng lực kinh nghiệm với chi phí hiệu quả nhất. Và quan trọng hơn nữa giúp các đối tượng thụ hưởng (trong trường hợp của Sơn La là người dân tỉnh) được hưởng lợi ích từ các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước nhanh chóng hơn.
ĐTQM giúp minh bạch hoá việc đấu thầu, góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng mà cả nước đang hưởng ứng. Nhờ tiết kiệm được nguồn lực dành cho đấu thầu, thực hiện đấu thầu qua mạng hoàn toàn phù hợp với chủ trương tinh giản bộ máy nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính mà Chính phủ đang nỗ lực triển khai.
Tương lai đấu thầu qua mạng tại Việt Nam
Với những lợi ích và thành công đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) đang có chương trình hợp tác hỗ trợ cải thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại Việt Nam. Về phía ADB, Ngân hàng này đang hỗ trợ Cục Quản lý đấu thầu, Trung tâm đấu thầu qua mạng quốc gia 3 nhiệm vụ chính: Một là bổ sung, cải thiện các tính năng của Hệ thống phù hợp với tiêu chuẩn đấu thầu điện tử của các Ngân hàng Phát triển Đa phương, điện tử hóa mẫu hồ sơ mời thầu cho các gói thầu xây lắp và mua sắm hàng hóa đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước của ADB và WB và đưa các mẫu này lên Hệ thống để các dự án do ADB và WB tài trợ cũng có thể áp dụng đấu thầu qua mạng. Hai là soạn thảo Sổ tay hướng dẫn đấu thầu qua mạng cho các bên sử dụng Hệ thống bao gồm bên mời thầu, nhà thầu và đơn vị quản trị hệ thống. Cuối cùng, là xây dựng, triển khai chiến dịch truyền thông về ĐTQM nhằm mục đích nâng cao nhận thức và gia tăng số lượng người sử dụng Hệ thống.
Được biết, theo thống kê của Trung tâm ĐTQM Quốc gia, đến nay, số lượng bên mời thầu đăng ký tham gia hệ thống là trên 23.500, số lượng nhà thầu tham gia là hơn 72.000. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 6.100 gói thầu điện tử, tăng gấp đôi so vói cùng kỳ năm ngoái. Năm 2017, số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM đạt 8.200 gói với tổng giá trị gói thầu là khoảng 9.000 tỷ đồng.