Doanh nghiệp
Bamboo Airways xin hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và xử lý nợ thuế
Nguyễn Toàn - 08/10/2024 15:34
Bamboo Airway kiến nghị tháo gỡ các biện pháp hạn chế cưỡng chế thuế gồm việc tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với ông Lương Hoài Nam. Công ty đưa ra lộ trình được nộp dần tiền thuế nợ theo từng tháng với số tiền cam kết là 10 tỷ đồng/tháng.

Tiếp tục kêu cứu

Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế tỉnh Bình Định vào ngày 3/10/2024 dài đến 6 trang do bà Lê Thị Trúc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) ký, Bamboo Airways cho biết, mặc dù đã có nhiều hành động quyết liệt, thực hiện tái cấu trúc toàn diện, nhưng hoạt động của Bamboo Airways vẫn còn gặp vô vàn các khó khăn, tồn tại hiện hữu.

Đồng thời, trong thời gian qua, Bamboo Airways liên tiếp nhận được các quyết định, thông báo của Cục Thuế tỉnh Bình Định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản; đặc biệt là thông báo việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam, người đại diện theo pháp luật của Bamboo Airways do Công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Theo Bamboo Airway, việc ông Lương Hoài Nam, người được Công ty tin tưởng và giao phó sứ mệnh cải tổ hãng hàng không, phải đối mặt với biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã gây ra nhiều thiệt thời không đáng có.

“Trong bối cảnh tái cấu trúc, khi Công ty rất cần một “thuyền trưởng” giàu kinh nghiệm và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, ông Lương Hoài Nam đã thể hiện sự quyết liệt trong hành động để khắc phục khó khăn, đưa hãng hàng không tiến tới sự ổn định và phát triển. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cá nhân, mà còn gây tổn thương về tinh thần và tổn thất về quyền lợi của ông Lương Hoài Nam, người đã dũng cảm đứng lên đại diện cho hãng hàng không trong thời kỳ khó khăn nhất”, Bamboo Airways giải trình.

Bamboo Airways cũng liệt kê “những tác động tiêu cực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ hoạt động của Bamboo Airways” từ việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiền nợ thuế và tạm hoãn xuất cảnh.

Bao gồm, quá trình tái cấu trúc của công ty bị cản trở và gián đoạn (ông Lương Hoài Nam bị tạm hoãn xuất cảnh nên không thể tham gia các buổi làm việc, đàm phán các đối tác theo kế hoạch đã được thống nhất); quá trình tái cơ cấu khoản nợ và huy động nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn (đối tác, nhà cung cấp yêu cầu thanh toán; ngân hàng dừng giải ngân và triển khai biện pháp thu hồi nợ trước hạn).

Trong đó, Bamboo Airway đề cập rằng “trong thời gian gần đây, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về việc người đại diện theo pháp luật của Bamboo Airways bị tạm hoãn xuất cảnh, đã xuất hiện nhiều nguồn tin với những quan điểm/định hướng tiêu cực, gây ảnh hưởng đến niềm tin từ phía khách hàng và đối tác với Bamboo Airways”.

“Thực tế, ngay lập tức doanh thu của Bamboo Airways bị giảm sút nghiêm trọng (khoảng 60%) so với trước thời điểm đó, do nhiều đối tác hủy bỏ hợp đồng, khách hàng không tiếp tục sử dụng sản phẩm/dịch vụ của công ty”.

Bamboo Airways cho rằng, những khó khăn hiện hữu, nếu không được hỗ trợ khắc phục, giải quyết trong thời gian sớm từ các cơ quan thì Bamboo Airways có thể buộc phải dừng hoạt động, đứng trước nguy cơ phá sản...

“Điều này cũng có thể kéo theo sự đổ vỡ mang tính dây chuyền do các ngân hàng không thể thu hồi được nhiều nghìn tỷ nợ vay; các nhà cung cấp không thể thu hồi được chi phí liên quan đến việc cung cấp hàng hoá/dịch vụ; nhà nước không thu hồi được nợ thuế; người tiêu dùng mất đi một hãng hàng không có dịch vụ bay chất lượng với mức giá cạnh tranh. Theo đó, thị trường hàng không, thị trường du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, tác động do Bamboo Airway liệt kê.

Do đó, Bamboo Airways “khẩn thiết đề nghị” các cơ quan xem xét, ủng hộ nỗ lực tái cơ cấu, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty bằng việc tháo gỡ các biện pháp hạn chế cưỡng chế thuế, đặc biệt là việc tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với ông Lương Hoài Nam.

“Việc gỡ bỏ biện pháp này sẽ giúp Bamboo Airways có cơ hội thực hiện và hoàn thành công cuộc tái cấu trúc theo chỉ đạo, các hoạt động của công ty được bình thường trở lại đảm bảo nguồn doanh thu liên tục, ổn định nguồn tài chính, nhanh chóng hoàn thành việc thanh toán các khoản nợ thuế, tiếp tục được đóng góp vào ngân sách địa phương”, Bamboo Airways giải thích về đề nghị trên.

Đồng thời, Bamboo Airways cũng đề nghị các cơ quan xem xét, chấp thuận cho phép công ty được nộp dần tiền thuế nợ theo từng tháng với số tiền cam kết là 10 tỷ đồng/tháng và số tiền nộp dần theo tháng có thể sẽ được điều chỉnh trên mức đề xuất khi doanh thu của Bamboo Airways dần ổn định.

Bamboo Airways khẳng định, nếu được chấp thuận, công ty làm việc với tổ chức tín dụng để phát hành thư bảo lãnh theo quy định của pháp luật về số tiền thuế nợ đề nghị nộp dần và cam kết tiến độ thực hiện nộp dần tiền thuế nợ, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước.

Cục Thuế tỉnh Bình Định nói gì?

Ngày 7/10/2024, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định ký công văn phúc đáp các kiến nghị của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt.

Theo Cục Thuế tỉnh Bình Định, về kiến nghị chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế và nộp dần tiền thuế nợ, trong báo cáo Chính phủ vào ngày 25/1/2024, Bộ Tài chính đã đề cập “để được nộp dần tiền thuế nợ thì Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt phải lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2, Điều 66, Thông tư số 80/2021/TT-BTC (trong đó phải có thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng) và gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được xem xét xử lý nộp dần tiền thuế nợ theo đúng thẩm quyền quy định”.

“Trường hợp, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt không hoàn thiện được hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ thì cơ quan thuế thực hiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Cục Thuế tỉnh Bình Định cho rằng, hiện nay, đơn vị này vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị nộp dần tiền thuế nợ của Công ty theo quy định tại khoản 2, Điều 66 Thông tư số 80/2021/TT-BTC để xem xét, ban hành quyết định chấp thuận nộp dần tiền thuế nợ đối với Công ty.

Do đó, Cục Thuế tỉnh Bình Định không có cơ sở để chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế đối với Công ty.

Đối với việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty, Cục Thuế tỉnh Bình Định thông tin, tính đến ngày 31/7/2024, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt còn nợ ngân sách Nhà nước số tiền thuế nợ là: 296.109.090.593 đồng.

Ngày 27/8/2024, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã ban hành 11 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phòng tỏa tài khoản đối với Công ty (từ Quyết định số 888/QĐ-CTBDI đến Quyết định số 898/QĐ-CTBDI). Ngoài ra, ngày 11/9/2024, Cục Thuế ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty.

“Cục Thuế tỉnh Bình Định cũng đã nhiều lần đôn đốc, thông báo tiền thuế nợ, mời làm việc... bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng Công ty vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế”, nội dung phản hồi của Cục Thuế tỉnh Bình Định.

Căn cứ các quy định và tình hình nợ thuế của Công ty, Cục Thuế tỉnh Bình Định phản hồi là “không có cơ sở để thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty”.

Tin liên quan
Tin khác