Bộ Công Thương cho biết, đơn vị xử lý và cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116 là Cục Xuất nhập khẩu. |
Ngày 17 tháng 10 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116) quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Nghị định 116 có hiệu lực kể từ ngày ký và quy định chuyển tiếp đối với điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô, cụ thể:
Hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017.
Các doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này và được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô trước ngày 31 tháng 12 năm 2017 được quyền nhập khẩu ô tô kể từ ngày Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô có hiệu lực.
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu ô tô sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định này.
Để được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô thì doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định.
Có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp lưu ý quy định về thời gian chuyển tiếp để chủ động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, nhập khẩu ô tô và đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP
Theo Bộ Công Thương, đơn vị xử lý và cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô là Cục Xuất nhập khẩu.