Ngân hàng
Bán lẻ tăng 100%, VIB vui vẻ nhìn đối thủ đua cho vay tiêu dùng
H.T - 29/03/2018 13:46
Tại ĐHCĐ thường niên 2018 diễn ra sáng nay (29/3), Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, lập công ty tài chính tiêu dùng không phải mục tiêu gấp rút của ngân hàng.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB

Bán lẻ năm 2018 có thể tăng 100%, lợi nhuận kỷ lục

Trả lời câu hỏi chất vấn của cổ đông sáng nay về việc đứng ngoài trong cuộc chạy đua lập công ty tài chính tiêu dùng, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho hay, hiện nay xin giấy phép thành lập công ty tài chính tiêu dùng là rất khó, chủ yếu phải thực hiện qua con đường mua bán, sáp nhập. Tuy nhiên, trên thị trường không có công ty tài tiêu dùng chất lượng đủ tốt theo tiêu chuẩn của VIB.

Hơn nữa, cho vay tiêu dùng lãi suất 30-60% sẽ rất rủi ro và lợi nhuận thường là ngắn hạn chứ không thể dài hạn.

“Mỗi nhà băng sẽ đi theo một trường phái riêng. VIB bình thản và vui vẻ khi thấy các đối thủ cạnh tranh đi vào những thị trường rủi ro. Chúng tôi là ngân hàng cân bằng giữa chất lượng và quy mô nên cần nghĩ đến xu hướng dài hạn hơn là vấn đề chỉ 3-5 năm. Việc lập công ty tài chính tiêu dùng không phải mục tiêu gấp rút của chúng tôi", Chủ tịch VIB cho biết.  

Theo VIB, dù không tham gia cuộc đua thành lập công ty tài chính tiêu dùng song mảng bán lẻ của ngân hàng tăng trưởng rất tốt, cho thấy tiềm năng lợi nhuận từ mảng này rất lớn, không chạy đua lập công ty tài chính để cho vay tiêu dùng.

Cụ thể, năm 2017, mảng bán lẻ của VIB tăng tới 83%. Quý I/2018, dù rơi vào thời gian nghỉ Tết nguyên đán, song tăng trưởng bán lẻ của VIB vẫn đạt 13% có thể đạt mức tăng trưởng 100% trong năm 2018. Với mức tăng trưởng cao nhất nhì thị trường (tăng trưởng bán lẻ bình quân tại thị trường Hà Nội chỉ khoảng 2%), dẫn đầu nhiều phân khúc như cho vay mua nhà, cho vay mua ô tô, bán chéo bảo hiểm…VIB tự tin đạt mục tiêu lợi nhuận mà không cần lập công ty tài chính tiêu dùng.

Nếu từ năm 2016 trở về trước, lợi nhuận của VIB chỉ quanh mức 700 tỷ đồng thì bắt đầu từ năm 2017 tăng vọt gấp đôi, đạt 1.405 tỷ đồng.

Theo kế hoạch vừa được ĐHCĐ sáng nay thông qua, năm 2018, lợi nhuận của ngân hàng tăng 43%, đạt 2.005 tỷ đồng. Con số này, theo ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB là “mức sàn”. Thực tế, ngân hàng có thể đạt lợi nhuận 2.300 – 2.500 tỷ đồng trong năm nay.

Tự tin này là có cơ sở, bởi quý I/2018, VIB đã đạt lợi nhuận 510 tỷ đồng, gấp 3 lợi nhuận quý I/2017.     

Thưởng 1,98 triệu cổ phiếu ESOP, chuẩn bị lên sàn HOSE

Theo phương án được ĐHCĐ thông qua sáng nay, VIB dự kiến tăng vốn điều lệ lên 8.100 tỷ đồng. Theo đó, VIB sẽ sử dụng cổ phiếu quỹ để thưởng cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên (CBCNV) làm việc trên 1 năm và có đóng góp cho ngân hàng. CBCNV không cần chi trả tiền mua đồng thời không bị hạn chế chuyển nhượng mà có thể giao dịch ngay khi cổ phiếu về tài khoản.

VIB dự kiến sẽ bán cổ phiếu quỹ chậm nhất quý IV/2018

Ngoài ra, VIB sẽ chia thưởng cho cổ đông, chào bán ra bên ngoài. Tỷ lệ tối đa phát hành mới cho NĐT bên ngoài là 10% vốn điều lệ. Ngoài ra, ĐHCĐ cũng đã nhất trí phương án niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) trong năm 2018 hoặc 2019. Việc lựa chọn thời điểm niêm yết sẽ do HĐQT lựa chọn trên cơ sở ủy quyền của cổ đông.

Liên quan đến cổ phiếu quỹ đã được VIB mua lại năm 2017, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ khẳng định, đây là quyết định khôn ngoan vì thời điểm đó, cổ phiếu VIB có giá 22.000 đồng/CP nhwgn hiện nay đã lên 40.000 đồng/CP.

Về chia cổ phiếu thưởng 2017 cho cổ đông lẽ ra đã thực hiện nhưng theo quy định của NHNN thì một số cổ đông của VIB như CBA sau khi nhận cổ phiếu thưởng sẽ vượt quá tỷ lệ sở hữu do đó việc chia cổ phiếu thưởng chưa thực hiện được.

Hiện nay ngân hàng đang xem xét, nếu có cổ đông nào đặt vấn đề với mức phù hợp thì sẽ bán cổ phiếu quỹ và sau đó chia cổ phiếu thưởng để đảm bảo đúng tỷ lệ sở hữu của luật.

“Hi vọng sẽ bán cổ phiếu quỹ này trong khoảng quý III hoặc chậm nhất là quý IV/2018”, ông Vỹ nói.

Mặc dù giá cổ phiếu VIB đã tăng từ 17.000 đồng/CP khi mới niêm yết lên 40.000 đồng/CP hiện nay, song chủ tịch VIB cũng cho rằng, cổ phiếu của VIB còn quá rẻ so với giá trị thực.

Tin liên quan
Tin khác