Parkson đã thỏa thuận bán trung tâm thương mại Parkson TD Plaza ở Hải Phòng với giá 10 triệu USD cho đối tác Việt. |
Mua sắm ô tô, nhà cửa... online
Dịch bệnh kéo dài và tái bùng phát khiến các sản phẩm tưởng như chỉ có thể mua bán theo cách truyền thống, như ô tô, bất động sản tăng mạnh số lượng giao dịch trên mạng.
Thương hiệu Vinhomes (Vingroup) đã “nổ phát súng” đầu tiên khi quyết định bán nhà online ở hầu hết dự án. Các thông tin như vị trí, quy hoạch, tài liệu bán hàng được công khai trên mạng.
Đơn vị sử dụng công nghệ vào các quá trình tư vấn phát triển dự án, bằng cách sử dụng nền tảng liên quan đến thu thập dữ liệu và thông tin, tiếp thị (công nghệ thực tế ảo 6D, 3D), giúp người mua có cái nhìn trực quan, chính xác như đang có mặt tại dự án. Đội ngũ chăm sóc khách hàng sẽ hỗ trợ người mua 24/7, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục theo đúng pháp luật.
Nền tảng này nhắm đến lượng khách hàng trẻ, yêu công nghệ, khách hàng ở xa, không có điều kiện tiếp cận dự án. Kèm theo đó là hàng loạt chính sách kích cầu. 600 giao dịch đầu tiên thành công tại các dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Symphony sẽ hưởng mức giảm từ 10-70 triệu đồng/căn...
Cùng với bất động sản, giới thiệu xe hơi trực tuyến cũng được đang các hãng xe áp dụng. Gần như mọi hãng xe lớn, như BMW, Mercedes, Jaguar Land Rover, Daimler, Peugeot, Citroen, Hyundai và Ford… đã tạo ra nền tảng bán hàng trên trang web chính thức, nhằm bán xe trực tiếp hoặc qua các đại lý.
Tuy trải nghiệm còn phụ thuộc vào việc các đại lý tham gia vào quá trình và khả năng điều chỉnh giá xe dựa trên yêu cầu thực tế cũng như lượng hàng trong kho, nhưng nền tảng bán lẻ kỹ thuật số của các nhà phát triển, như Gforces, Roadster và Fastlane đang giúp các đại lý số hóa nền tảng bán hàng, cung cấp cho khách hàng mua xe online 24x7.
Tác động của Covid-19 đã khiến các thương hiệu lớn trên thế giới phải thay đổi để thích ứng và bán được hàng. Các nhãn hàng ở Việt Nam không phải ngoại lệ, dù việc chuyển đổi số khá chậm.
“Bí quyết là phải thay đổi để thích ứng”, ông Ravi Thakran, Chủ tịch Tập đoàn LVMH, phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Australia và Trung Đông nói khi trao đổi với hơn 30 quỹ đầu tư tư nhân trên thế giới tại Diễn đàn online mới đây.
“Trong 5 năm tới, việc mua sắm trực tiếp theo cách truyền thống rất có thể sẽ là lựa chọn sau cùng của người tiêu dùng”, ông Ravi Thakran nói.
Viễn cảnh này không quá khó dự đoán, khi hình thức mua sắm điện tử, mua sắm qua các mạng xã hội đang trở nên rất phổ biến và tiện dụng.
Thứ nhất, những kênh như Amazon đã trở thành lựa chọn đầu tiên khi người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm. 66% tổng số dịch vụ tại Mỹ năm 2019 được thực hiện chủ yếu qua Amazon.
Tại Việt Nam, Facebook được xem là trang mua bán trực tuyến phổ biến nhất (chiếm 66%), sau đó là Shopee, Lazada và Tiki.
Thứ hai, các trang bán hàng điện tử có khả năng hiển thị nhiều sản phẩm hơn, cung cấp cho người tiêu dùng nhiều thông tin hơn các kênh bán hàng truyền thống.
Việc xem xét, lựa chọn và giao dịch mua hàng trở nên nhanh chóng, đơn giản hơn rất nhiều, chỉ với một cú click chuột. Vì thế, các trang mua sắm điện tử giờ đây đã biến thành các khu mua sắm toàn diện hơn, nhờ công nghệ.
Tìm kiếm bình minh mới
Sự phát triển của công nghệ rõ ràng đã thay đổi căn bản cách người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm. Còn sự tương tác của doanh nghiệp với xu hướng mới đang kéo theo sự biến chuyển lớn trong cục diện thị trường.
Số lượng trung tâm thương mại vốn không nhiều tuy nhiên, trong năm 2020 này cũng ghi nhận sự tăng trưởng 11% từ 96 (2019) lên 107 (2020). Vincom có tới 77 tương đương hơn 70% – một con số khủng khiếp. Theo sau Vincom là LotteMart với 15 trung tâm thương mại.
Nguồn: Công ty Nghiên cứu thị trường Q&ME
Bên cạnh sự vùng lên chiếm lĩnh một vị trí vững chãi trong ngành của những ông lớn như Amazon, Netflix, Facebook, Apple..., không ít doanh nghiệp lừng danh đành phải “về hưu” sớm khi không kịp sự thay đổi của thế giới.
Payless - một gã khổng lồ vốn mạnh về chuỗi cửa hàng bán lẻ giày dép ở Mỹ sau 60 năm hùng mạnh đã phải đệ đơn phá sản vào năm 2019. Điểm khiến Playless khác biệt nằm ở chiến lược tự phục vụ, khi cho phép khách hàng tự do mua giày. Nhưng, Payless đã không tính đến sự cạnh tranh khi các nhà bán lẻ trực tuyến như Zappos bắt đầu thống trị.
Tương tự, Hãng cho thuê băng đĩa khổng lồ Blockbuster cũng trở nên lạc hậu trước cuộc cách mạng Internet đầu thế kỷ 21. Nhiều người đã chuyển từ xem phim DVD sang xem phim cùng truy cập các nội dung khác qua mạng. Trong khi đó, Blockbuster không chịu thay đổi.
Borders Group - từng là hãng bán lẻ sách lớn thứ hai tại Mỹ (sau Barnes & Noble và là cơn ác mộng của các cửa hàng bán sách nhỏ khi mở rộng hoạt động tại các trung tâm mua sắm) cũng đã ngã ngựa khi không chọn triển sản phẩm số…
Ở Việt Nam, thông tin nhà bán lẻ Parkson bán trung tâm thương mại Parkson TD Plaza ở Hải Phòng với giá 10 triệu USD cho đối tác Việt Nam không quá bất ngờ.
Sau nhiều năm thua lỗ, Parkson đã đóng cửa 5 trung tâm thương mại chỉ còn vận hành, kinh doanh duy nhất Parkson Saigon Tourist Plaza tại Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM. Năm ngoái, Parkson thay đổi chiến lược biến trung tâm thương mại thành điểm đến tích hợp mua sắm, ăn uống và giải trí. Thế nhưng, việc này đã không kéo dài sự sống của các trung tâm.
Có thể thấy, cửa hàng thực tế của các nhãn hiệu trong khu mua sắm truyền thống đang dịch chuyển mạnh mẽ. Thay vì là nơi chốt đơn hàng, các cửa hàng đang được sử dụng là nơi kết nối, duy trì quan hệ khách hàng và trải nghiệm thực tế. Khách sẽ về nhà và tiến hành mua sắm trên chính trang mạng của cửa hàng đó.
Như vậy, các cửa hàng hiện hữu sẽ không đơn giản là nơi giới thiệu hàng hóa trực quan, mà sẽ quan tâm đến nhu cầu tinh tế và đa dạng của khách hàng, đó là nhu cầu được đảm bảo an ninh, được ghi nhận, được tạo cảm hứng, được mua sắm có chủ đích, được người bán thể hiện sự tôn trọng.
Trong sự chuyển dịch này, chìa khóa thành công là những nhân viên giàu kinh nghiệm.
“Nếu không thu hút được nhân lực có kinh nghiệm, thì dù bạn là nhà bán lẻ ở phân khúc bình dân, trung lưu hay cao cấp, đều không thể trụ lại được”, ông Ravi Thakran nói.
Thực tế là, các doanh nghiệp đều nhận thấy khách hàng muốn trải nghiệm cái mới, nhưng cũng lo ngại mất đi thói quen xưa cũ, những hoài niệm với các dòng sản phẩm yêu thích. Chỉ cần một vài thay đổi không thỏa mãn cảm xúc của khách hàng, các kênh bán hàng truyền thống có thể sẽ đi đến ngày tàn nhanh hơn, nhất là khi dịch bệnh đang làm cảm xúc của khách hàng càng khó nắm bắt.
Nhiều chuyên gia phân tích thị trường đang nhắc tới ưu thế sẽ thuộc về những thương hiệu thay đổi để đáp ứng thị hiếu cao hơn của khách hàng. Sản phẩm có giá trị thẩm mỹ càng cao thì càng có phân khúc riêng để tồn tại, hay những thương hiệu có dòng sản phẩm liên tục làm mới, buộc khách hàng phải chờ đợi để được trải nghiệm, từ đó trở thành khách hàng trung thành.
Nhưng sự lựa chọn này không dành cho số đông. Trong khi đó, vì sự đảo chiều của kênh truyền thống và điện tử, các hãng cần xây dựng được nền tảng bán hàng điện tử mạnh hoặc tận dụng các kênh sẵn có. Nhiều doanh nghiệp đã chọn cách đầu tư công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo, công nghệ ảo vào quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, với hàm lượng công nghệ ngày một gia tăng. Mục tiêu là cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến tương tự cho khách hàng như kênh truyền thống.
Các thương hiệu phương Tây tập trung đánh vào thế hệ trẻ ở các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Họ nắm bắt được tâm lý tiêu dùng của thế hệ Y (sinh năm 1980-1994), những người có hiểu biết về công nghệ cao, ở độ tuổi lao động chủ chốt. “Đó là những người sẵn sàng trả tiền để trải nghiệm nhiều hơn thay vì thói quen tiêu dùng tằn tiện truyền thống của cha mẹ họ”, ông Ravi Thakran nhận định.
Tuy nhiên, chưa có nhiều thương hiệu ở khu vực châu Á chuyển đổi thành công sang bán hàng thương mại điện tử để đối đầu trực diện với các trang thương mại điện tử. Dù vậy, xu hướng chuyển đổi đã cho thấy, sẽ không có ngày tàn cho bán lẻ truyền thống nếu như chính các doanh nghiệp không chấp nhận ngồi yên. Quyết tâm thay đổi sẽ kéo bình minh mới ló rạng.