Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT, quá trình tái cơ cấu VNPT đã trải qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 1/4/2014, khi VNPT chuyên biệt hóa hoạt động kinh doanh của các đơn vị trực thuộc với hoạt động hạ tầng, mạng lưới. Tại thời điểm này, VNPT đã tách thí điểm khối kinh doanh tại 3 nơi là Đà Nẵng, Tiền Giang và Nghệ An, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm triển khai tiếp tại 63 tỉnh, thành.
Sau khi tái cơ cấu, VNPT đã giảm được lực lượng quản lý từ trên 20% xuống còn 10%. Trước đây, VNPT chỉ có 4.000 cán bộ kinh doanh trực tiếp, 40.000 người hỗ trợ thì nay, lực lượng trực tiếp sản xuất kinh doanh là 15.000 người.
Bước sang giai đoạn 2, sau khi có Quyết định cho phép từ Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT đã công bố quyết định thành lập 3 Tổng công ty là Tổng Công ty hạ tầng mạng (VNPT Net); Tổng Công ty TNHH MTV Dịch vụ viễn thông (VNPT Vinaphone) và Tổng Công ty TNHH MTV Truyền thông (VNPT Media) vào ngày 15/5/2015. Đến ngày 1/7, VNPT chính thức chuyển giao nguồn lực về các Tổng công ty để 3 đơn vị này có thể hoạt động tự chủ, độc lập.
Trọng tâm của giai đoạn 3 chính là tái cấu trúc khối chỉ đạo, điều hành của VNPT áp dụng mô hình quản trị mới. Sau mốc 1/10/2015, từ 15 đầu mối ban chuyên môn trên Tập đoàn đã rút xuống còn 11 đầu mối, từ 500 lao động giảm còn 300 lao động.
"Kết thúc giai đoạn này, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành quá trình tái cấu trúc theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ. Sở dĩ nói là cơ bản vì vẫn còn một số đầu việc nhỏ như thoái vốn, chia tách Bệnh viện Bưu điện", ông Long nhấn mạnh.
Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại buổi làm việc với Tập đoàn VNPT. |
Theo báo cáo của VNPT, tổng lợi nhuận thực hiện của VNPT giai đoạn 2011 – 2015 đạt 37.037 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,6%/năm. Tổng lợi nhuận của công ty mẹ VNPT giai đoạn 2011 – 2015 đạt 12.218 tỷ đồng, đạt 101,4% kế hoạch cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 0,3%/năm.
Báo cáo Bộ trưởng, ông Phạm Đức Long cho biết, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn đã có nhiều điểm mới khởi sắc sau tái cấu trúc. Với sự thành lập của Tổng công ty VNPT VinaPhone, hệ thống đã thống nhất, xuyên suốt trên cả nước với hơn 130.000 điểm bán hàng, số lượng nhân viên bán hàng tăng hơn 3 lần. Chất lượng chăm sóc khách hàng đã thay đổi tích cực một cách đáng ngạc nhiên.
Thị phần của VinaPhone trước tái cấu trúc chỉ 17%, mục tiêu đặt ra cho VinaPhone trong thời gian tới là phải chiếm trên 33% thị phần, quay trở lại vị trí số 2.
Đối với lĩnh vực CNTT, ông Long cho biết, hiện Tập đoàn có 1500 lao động làm phần mềm, CNTT, riêng phần mềm là 800 người, tập trung vào những nhóm sản phẩm chính như Chính phủ điện tử (Tập đoàn đã ký hợp tác chiến lược về VT- CNTT với 45 UBND tỉnh, thành và 1 số bộ ngành, triển khai Chính phủ điện tử cho nhiều địa phương); Y tế (Tập đoàn đang cung cấp Hệ thống Phần mềm quản lý khám và chữa bệnh cho 3.600 trên tổng số 14.000 cơ sở y tế trên cả nước. Thị phần VNPT đang lớn nhất, tiếp tục triển khai hợp tác với các cơ sở y tế và bệnh viện cấp I).
Ngoài ra, Tập đoàn cũng tập trung vào Nhóm sản phẩm giáo dục VN-EDu (triển khai tại 9.100 trường và 3,8 triệu học sinh); Nhóm sản phẩm Tài nguyên và môi trường; Quản lý đất đai và môi trường; Nhóm giải pháp smartcity hiện đang thử nghiệm ở Phú Quốc và một số địa phương khác đang đặt hàng.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo, sau tái cấu trúc đã có chuyển biến rõ nét nhưng cần tạo sự khác biệt trong kinh doanh, đáp ứng khách hàng trong khoảng thời gian cam kết. Nếu không tạo sự khác biệt thì sự quyết liệt vào cuộc chuyên biệt tái cấu trúc đều hạn chế. Ví dự như về phát triển CNTT, VNPT phải có lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng tới từng cán bộ, công nhân viên, phải cụ thể hóa bằng doanh thu và hiệu quả. Hay như trong viễn thông, VNPT phải xây dựng được hạ tầng viễn thông thông minh, an toàn cho người sử dụng.
"Mạng viễn thông là nền tảng, xương sống kinh doanh và phát triển của VNPT, từ đó phải triển khai các dịch vụ viễn thông, CNTT, xem lại một cách thực chất xem xương sống đã đủ khỏe chưa. Phải xem đủ chắc chắn để bảo vệ an toàn cho người sử dụng, qua được các đợt tấn công của tin tặc quốc tế hay chưa?", Bộ trưởng chỉ đạo.
Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, con người là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt nhất trong tất cả các công ty viễn thông và CNTT. Để cạnh tranh, VNPT cần có chiến lược con người theo chuẩn quốc tế để vươn ra biển lớn. Phải sắp xếp con người vào đúng vị trí để phát huy năng lực và trình độ. Phải có tiêu chuẩn để xét tuyển từng vị trí chủ chốt, dựa trên năng lực và sự phù hợp của từng vị trí.
"Phải xây dựng được văn hóa VNPT rõ nét, để thấy người VNPT có điểm khác biệt, giúp hệ thống phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt", Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng chỉ đạo VNPT phải chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cải thiện công tác truyền thông nội bộ để thấm nhuần văn hóa tư tưởng VNPT. Bên cạnh đó, phải xây dựng bộ máy trong sạch, ưu tiên năng lực thực tế hơn bằng cấp; thực hiện luân chuyển cán bộ để phát hiện nhân tài, loại bỏ, sắp xếp lại nhân sự không phù hợp, phải đặt đúng người đúng việc; Cố gắng tinh giản bộ máy, nâng năng suất, hiệu quả lao động nhưung phải đảm bảo sự ổn định cho người lao động, đồng thời thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến sáng tạo. Khuyến khích vật chất xứng đáng khi có sáng kiến tốt.