Cả 3 Cienco này sau khi cổ phần hóa kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh ngành, nghề mà doanh nghiệp trước khi chuyển đổi sở hữu đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
| ||
Năm 2012, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Cienco 4 là 9,52 lần. |
Cienco 1 có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 35% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 31% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 23,12% vốn điều lệ.
Cienco 4 có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 35%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 26,5%; bán đấu giá công khai 26,88%.
Cienco 6 có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ 51%; bán đấu giá công khai 47,87% vốn điều lệ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao thẩm quyền quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá; phê duyệt tiêu chí và quyết định lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; chỉ đạo doanh nghiệp công bố thông tin vể cổ phần hóa; phê duyệt quyết toán chi phí cổ phần hóa; cử người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại 3 tổng công ty xây dựng công trình giao thông.
Trước năm 2016, Bộ Giao thông - Vận tải phải thực hiện chuyển quyền đại diện phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Riêng đối với Cienco 6, Bộ Giao thông - Vận tải phải chịu trách nhiệm chỉ đạo người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục bán bớt phần vốn nhà nước để bảo đảm đảm Nhà nước nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp này khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố vào cuối năm 2013, kết thúc năm tài chính năm 2012, với số nợ phải thu khó đòi lên đến 350 tỷ đồng (bằng 50% vốn điều lệ) Cienco 1 là một trong những tập đoàn, tổng công ty có nợ phải thu khó đòi lớn nhất, chỉ xếp sau Viettel, PVN, VNPT, Vinacomin và Tổng công ty Cảng hàng không (ACV).
Công ty mẹ - Cienco 1 cũng là một trong những công ty mẹ có nợ phải thu khó đòi lớn nhất, với 306 tỷ đồng (chỉ đứng sau Viettel, VNPT, ACV và Vinafood 1).
Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu 18,41 lần, năm 2012, Cienco 1 xếp thứ 4 trong số 48 tập đoàn, tổng công ty có tình hình tài chính mất an toàn nhất, gấp hơn 6 lần quy định cho phép và 12,6 lần hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 9,52 lần và 3,19 lần, Cienco 4 và Cienco 6 đứng lần lượt ở vị trí thứ 7 và thứ 48 số trong số tập đoàn, tổng công ty có nợ nần lớn nhất trong năm tài chính 2012.
Còn nếu xét riêng đối với công ty mẹ thì với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 10,07 lần và 6,63 lần, năm 2012, Cienco 1 và Cienco 4 cũng nằm trong “top đầu” công ty mẹ có nợ nần lớn nhất.
Trong khi đó, mặc dù tình hình nợ nần đỡ căng thẳng hơn so với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông khác, nhưng năm 2012, Ciecno 6 là 1 trong số 25 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh thua lỗ với số lỗ 11 tỷ đồng.
Hàn Tín