Bế tắc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược
Trong số các ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm sở hữu chi phối, BIDV là ngân hàng chật vật nhất trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược. Cho đến nay, Nhà nước vẫn sở hữu hơn 95% vốn của ngân hàng này và room vốn ngoại vẫn còn nguyên.
Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV thừa nhận, trong 4 năm qua, ngân hàng đã tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược và đã hợp tác với nhiều định chế tài chính lớn, đặc biệt là đối tác Nhật Bản, song việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất khó khăn.
. |
“Rất khó để bán giá thấp hơn giá thị trường, trong khi nhà đầu tư mua lô lớn lại muốn mua giá thấp. Ngân hàng đòi hỏi nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các yêu cầu về thời gian, nhưng lại muốn bán với giá như giá bán lẻ trên sàn niêm yết, nên rất khó. Đây cũng là cái khó chung với tất cả các ngân hàng, chứ không riêng BIDV”, ông Tú khẳng định.
Cũng vì khó thỏa thuận được giá với đối tác chiến lược nước ngoài, nên nghịch lý là, trong khi nhiều chủ ngân hàng mong giá cổ phiếu cao, thì nhiều ông lớn ngân hàng lại mong cổ phiếu mềm hơn nữa để có thể bán vốn thành công, bởi giá cổ phiếu càng cao thì việc đàm phán với đối tác chiến lược càng khó khăn.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, dù Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) đã chào giá khá cao, song thương vụ bán 7,73% cổ phần Vietcombank chưa thành công bởi mức giá chào vẫn thấp hơn giá niêm yết trên sàn.
“Hiện nay, nhiều đối tác nước ngoài, trong đó có GIC, vẫn tiếp tục quan tâm tới Vietcombank. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Chính phủ và các bộ, ngành, việc bán vốn nhà nước phải thỏa mãn các điều kiện, đặc biệt là giá chào bán không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán. Với điều kiện giá như vậy, việc bán cổ phần rất khó khả thi”, ông Nghiêm Xuân Thành nói.
Sẽ có cơ chế riêng cho các ngân hàng?
Việc tăng vốn của các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước là hết sức cấp thiết. Hiện nay, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng này chỉ cao hơn mức tối thiểu không đáng kể và khi chuẩn mực an toàn vốn Basel II được áp dụng chính thức (dự kiến từ năm 2018), hệ số CAR sẽ càng xuống sâu.
Với các ngân hàng này, việc tăng vốn chỉ có thể thực hiện bằng 4 cách: ngân sách cấp, trả cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cổ phần riêng lẻ, tăng vốn cấp 2. Cho đến nay, dư địa tăng vốn cấp 2 của khối ngân hàng này không nhiều, cổ tức tiền mặt năm nào cũng bị Bộ Tài chính “đòi”, còn ngân sách cấp là chuyện bất khả thi. Như vậy, cách tăng vốn khả thi nhất hiện nay vẫn là chào bán cổ phần riêng lẻ với khối lượng lớn cho nhà đầu tư (chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài).
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, hiện một số ngân hàng TMCP quốc doanh đã đề nghị các bộ, ngành cho các ngân hàng được bán cổ phần dưới giá thị trường. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được chấp thuận.
Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, thời gian tới, Vietcombank sẽ trình phương án để vừa thỏa mãn điều kiện của Nhà nước, nhưng vẫn thu hút được cổ đông lớn nước ngoài.
Trong khi chờ đợi, giải pháp trước mắt của Vietcombank là giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 18% năm ngoái xuống còn 15% trong năm nay và đẩy mạnh tăng thu từ lĩnh vực dịch vụ.
Với BIDV, ông Phan Đức Tú tiết lộ, trường hợp không tăng được vốn, BIDV sẽ phải cấu trúc lại các tài sản có, cấu trúc lại tài sản có rủi ro, dài hạn chênh lệch lớn để đảm bảo hệ số CAR theo chuẩn yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Cấu trúc lại tài sản hay giảm tín dụng chỉ là giải pháp trước mắt với các ngân hàng. Về lâu dài, nếu bài toán tăng vốn không được giải, việc mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng này sẽ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, mục tiêu vươn lên thành ngân hàng tầm cỡ khu vực, hội nhập quốc tế sẽ ngày càng thách thức.