Doanh thu phí mới toàn thị trường nhân thọ năm 2019 đạt 10.450 tỷ đồng, tăng 68% so với năm 2018 |
Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, năm 2019, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của toàn thị trường đạt hơn 10.450 tỷ đồng, tăng hơn 68% so với năm 2018.
Với sự tăng trưởng liên tục thời gian qua, tính đến hết năm 2019, doanh thu phí bảo hiểm mới đến từ bancassurance chiếm hơn 30%/tổng doanh thu phí bảo hiểm mới của khối nhân thọ (số liệu thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm).
Một số hãng đang có doanh thu phí mới ổn định đến từ bancassurance có thể kể đến như Prudential, Dai-ichi Life Việt Nam, AIA, Manulife, FWD, MB Ageas Life….
Đơn cử, tại MB Ageas Life, sự tăng trưởng mạnh mẽ của bancassurance đã góp phần lớn trong việc tạo ra mức lợi nhuận dương năm 2019. Hãng bảo hiểm này cũng liên tục nằm trong Top 5 doanh nghiệp đứng đầu thị trường về bancassurance.
Tương tự, kênh bancassurance năm 2019 tăng trưởng đến 70%, trở thành động lực tăng trưởng chính của Dai-ichi Life Việt Nam, trong bối cảnh kênh đại lý tăng trưởng âm. năm 2020, hãng bảo hiểm đến từ Nhật Bản đặt mục tiêu doanh thu phí mới tăng trưởng 25%, trong đó doanh thu đến từ bancassurance tăng khoảng 30% và kênh đại lý tăng khoảng 20%.
Trong một động thái khác liên quan đến phát triển bancassurance, đầu tháng 1/2020, Prudential Việt Nam và SeABank đã chính thức thiết lập mối quan hệ hợp tác, phân phối bảo hiểm độc quyền trong 20 năm.
Theo đó, Prudential Việt Nam sẽ trở thành nhà cung cấp bảo hiểm nhân thọ ưu tiên cho Tập đoàn BRG với khoảng 10 triệu khách hàng. Thỏa thuận này có hiệu lực từ tháng 4/2020.
Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh bancassurance những năm qua liên tục tăng trưởng cao khi các công ty bảo hiểm đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng và ngân hàng cũng nhận thấy, trong các nguồn thu từ phí hiện nay, phí bảo hiểm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.
Sự cạnh tranh không chỉ diễn ra một chiều, bản thân các ngân hàng cũng cạnh tranh quyết liệt trong việc tìm đối tác để đẩy mạnh doanh thu phí bảo đến từ mảng bảo hiểm.
Bancassurance đã trở thành một phần trong chiến lược tăng trưởng của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng định hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang bán lẻ.
Việc đẩy mạnh hoạt động phân phối bảo hiểm không chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu tài chính toàn diện của khách hàng, mà còn đa dạng hóa các nguồn thu dịch vụ.
Theo báo cáo của Fiingroup, thu phí dịch vụ của các ngân hàng trong năm 2019 tăng 30,7%, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng rất cao như VIB (144,6%), VPBank (84,2%), TPBank (58,6%)...
Với VIB, mức tăng trưởng cao đến từ phí hoa hồng bảo hiểm tăng gấp 4,6 lần trong năm 2019. Nhiều ngân hàng khác có mảng phí dịch vụ tăng trưởng cao nhờ phí hoa hồng bảo hiểm là MBBank, Techcombank, SCB, ACB, VPBank, Sacombank…
Với nhiều hợp đồng hợp tác bán bảo hiểm độc quyền với ngân hàng được ký kết trong năm 2019, trong báo cáo về triển vọng thu nhập bancassurance của các ngân hàng, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ ngày càng gay gắt hơn.
Tăng trưởng thu nhập từ bảo hiểm sẽ chậm lại, nhất là tại các ngân hàng đã đẩy mạnh khai thác hoạt động này trong những năm trước.
Theo công ty chứng khoán này, Vietcombank và ACB sẽ là những ngân hàng tiếp theo có sự tăng trưởng đáng kể trong thu nhập từ bảo hiểm một vài năm tới nhờ các thỏa thuận bancassurance mới được ký kết trong năm 2019.
Trước đó, vào tháng 11/2019, Vietcombank ký độc quyền với FWD, trong khi ACB không ký độc quyền, mà tập trung bán bảo hiểm cho nhiều đối tác như AIA, Manulilfe, FWD... Được biết, ACB đang tìm kiếm đối tác để triển khai hợp tác độc quyền.
Dịch Covid-19 là cơ hội để bancassurance phát triển do kênh bán hàng qua hội thảo bị “tắc”.
Tuy nhiên, bancassurance vẫn chưa giải quyết tốt 2 vấn đề, đó là tỷ lệ hủy hợp đồng năm thứ 2 của khách hàng cao do nhân viên ngân hàng bị áp chỉ tiêu, đồng thời mức phí cắt lại cho ngân hàng quá lớn, khiến công ty bảo hiểm không có lời cho các vụ hợp tác này.