Tình trạng ngập úng cục bộ ruộng đồng, nhà cửa của người dân xảy ra sau khi Công ty cổ phần Địa ốc Newland Quảng Nam san nền Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn. |
UBND tỉnh Quảng Nam vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đánh giá ngập úng dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu phố chợ Chiên Đàn, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh để yêu cầu Công ty cổ phần Địa ốc Newland Quảng Nam (chủ đầu tư) bổ sung đánh giá tiêu chí chiều sâu ngập khi thực hiện quy hoạch, đề xuất giải pháp giảm ngập cho các khu vực phụ cận của dự án; tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có).
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Phú Ninh, Công ty cổ phần Địa ốc Newland Quảng Nam và các sở, ngành liên quan kiểm tra thực địa khu vực lân cận dự án và thực tế hiện trường thi công, rà soát các hồ sơ pháp lý để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân; báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Newland Quảng Nam khẩn trương phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan làm việc với cộng đồng dân cư các thôn Thạch Hòa, Đàn Hạ, Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh để công khai các hồ sơ, tài liệu, đề xuất phương án khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án và tuyên truyền, giải thích, vận động các hộ dân chấp hành chủ trương đầu tư dự án, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Trước đó, kết quả xem xét hồ sơ và kiểm tra thực thực địa của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 2500, ngày 7/10/2021 của cho thấy, hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) của Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn có thể hiện nội dung đánh giá tác động đến tình hình ngập lụt khu vực xung quanh dự án (từ trang 96 đến trang 107); có tính toán mô phỏng ngập lụt ứng với tần suất 20%, 10% và 5%; kết quả tính toán được tổng hợp tại các bảng 3.25 đến 3.27 thể hiện tổng diện tích ngập lụt sau quy hoạch (sau đầu tư) giảm hơn so với hiện trạng ở tất cả các trường hợp, do phần diện tích xây dựng của dự án chiếm chỗ. Điều đó đồng nghĩa với chiều sâu ngập lụt sau quy hoạch sẽ lớn hơn so với hiện trạng.
Tại Thuyết minh tính toán thủy lực, thủy văn do Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Môi trường Nam Phương lập, có tính toán xác định phạm vi và chiều sâu ngập tăng thêm so với hiện trạng trước quy hoạch nhưng chưa được đưa vào báo cáo ĐTM để tổ chức thẩm định, phê duyệt. Do vậy, cần tổ chức đánh giá bổ sung tiêu chí chiều sâu ngập khi thực hiện quy hoạch để có đề xuất giải pháp giảm ngập cho các khu vực phụ cận của dự án và trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Về nguyên nhân ngập úng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định khu vực đầu tư xây dựng khu phố chợ Chiên Đàn có diện tích lưu vực tập trung dòng chảy lũ rất lớn. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế thì hệ thống thoát nước dọc (hướng Tây - Đông) chưa tương xứng và vị trí lắp đặt chưa thuận lợi để đảm bảo tiêu thoát hết lưu lượng lũ do mưa lớn gây ra nên đã làm gia tăng mức ngập so với trước khi đầu tư xây dựng, gây ngập cục bộ tại một số vị trí.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dòng chảy từ thượng nguồn suối Tây Yên thường xuyên bị tắc nghẽn tại vị trí cầu Ông Trang 1 và cầu Ông Trang 2; khẩu diện cống tiêu dưới tuyến đường từ quốc lộ 1A vào khu vực dự án chưa đảm bảo nên làm tăng áp lực tiêu thoát tại cầu Ông Trang 2 (cầu phía Nam) và hạn chế dòng chảy về cầu Ông Trang 1 (cầu phía Bắc) dẫn đến làm dâng mực nước về thượng nguồn suối Tây Yên và tràn qua khu vực chợ Chiên Đàn cũ gây ngập tăng thêm cho khu vực này.
Ngoài ra, qua quan sát thì một số cống tiêu được thi công có cao trình đáy cống cao hơn cao trình mặt ruộng tự nhiên nên chưa đảm bảo tiêu cạn nước tại các cánh đồng phía Tây khu vực án, không đảm bảo điều kiện cho nhân dân canh tác trong vụ Đông Xuân năm 2021-2022.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cần tính toán kiểm tra thoát lũ. Bởi lẽ, Dự án Đầu tư Khu phố chợ Chiên Đàn có đầu tư tuyến đường nối từ quốc lộ 1A vào khu phố chợ cắt ngang qua suối Tây Yên, là suối có đê. Do vậy, khi thiết kế xây dựng công trình qua suối Tây Yên phải đảm bảo thoát được lũ thiết kế và lũ lịch sử, thông thoáng dòng chảy, an toàn đề điều (khoản 3 Điều 3 Quyết định số 19/2021/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đảm bảo thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê)
Đối với giải pháp công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đề xuất, đối với tuyến suối Tây Yên, cần tính toán kiểm tra khả năng thoát lũ của cống qua đường (đường từ quốc lộ 1A và khu vực dự án) ứng với tần suất lũ thiết kế và lũ lịch sử; từ đó, tính toán xác định khẩu diện cống qua đường đảm bảo không gây cản trở dòng chảy về cầu Ông Trang 1. Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên có định hướng trình Bộ Giao thông vận tải mở rộng khẩu diện cầu Ông Trang để thuận lợi trong thoát lũ.
Đối với trục tiêu hướng Tây - Đông tại vị trí giữa khu dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trục tiêu này được bố trí 02 ống buy, cao trình đáy cống cao hơn mặt ruộng và có khả năng không đảm bảo mặt cắt ướt để thoát lũ. Do vậy, cần tính toán, kiểm tra khả năng thoát lũ của trục tiêu này để xác định khẩu diện cống tiêu phù hợp, đảm bảo thoát lũ khi có mưa lớn (có thể nghiên cứu thiết kế cống tiêu hình hộp có khẩu độ lớn, bố trí nằm dưới tuyến đường trục trong vùng dự án);
Đối với vị trí ngập cục bộ tại vị trí phía Tây Bắc của dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần kiểm tra lại cao trình và mặt cắt ướt các cống tiêu này để có giải pháp điều chỉnh phù hợp hoặc bổ sung trục tiêu song song với kênh thủy lợi phía Bắc khu dự án để đảm bảo tiêu thoát nước, ổn định đời sống cho nhân dân.
Như Báo Đầu tư đã phản ánh, thời gian qua, Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) sau khi thi công san nền đã gây ngập úng nặng nề ruộng lúa và nhà cửa của người dân. Quá bức xúc, nhiều người dân địa phương tập trung tại khu vực dự án phản ánh sự việc và đề nghị Công ty Cổ phần Địa ốc Newland Quảng Nam dừng thi công, xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông ông Ngô Văn Thắng (53 tuổi, trú thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn) cho biết: “Bán kính ngập úng đến 500-700m, không chỉ gây ngập ruộng đồng mà ngập cả nhà ở. Chúng tôi không thể sống trong tình cảnh này quá lâu”.