Bằng những phản ánh đầy trách nhiệm và bản lĩnh, báo chí đã góp phần thúc đẩy tinh thần kinh doanh và cả niềm tin trong doanh nghiệp Việt Nam. |
Sự lấn sân đầy tham vọng và cả ước vọng “tấn công” vào những trận địa mang dấu ấn mạnh về công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cả doanh nghiệp lớn và giới khởi nghiệp, đang chiếm lĩnh dòng chảy chính trên báo chí, nhất là báo chí kinh tế.
Dòng chảy này lan tỏa trong rất, rất nhiều bài viết, hình ảnh trên báo chí, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và cả niềm tin trong các bước lớn lên của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng dòng chảy chính này không chỉ là thành tựu, kết quả có thể nhìn thấy ngay. Nhiều câu chuyện trên chặng đường còn không ít định kiến và cả rào cản chưa dễ tháo gỡ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân trong nước, cũng là những dòng chảy chính trên báo chí.
Trong dòng chảy đó, có những lo ngại về sự chậm trễ trong cải thiện môi trường kinh doanh; những khó khăn trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; những bất an khi cuộc chiến chống tham nhũng khiến nhiều công việc bị chậm lại, tâm lý chờ đợi chi phối...
Trong kinh doanh, sự chậm trễ, ngần ngừ của người đứng đầu có thể khiến một doanh nghiệp bị vuột mất cơ hội. Nhưng sự chậm trễ, ngần ngừ trong tư duy, trong hành động của những nhà hoạch định chính sách, của các cơ quan hành chính sẽ làm vuột cơ hội của hàng ngàn, chục ngàn doanh nghiệp, đặt nhiều kế hoạch kinh doanh vào thế rủi ro không thể kiểm soát.
Nhiều câu chuyện về doanh nghiệp bị làm khó, những quy định không thể thực thi hay những khoản chi phí không chính thức đang bào mòn sức khỏe của nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả những doanh nghiệp buộc phải chọn đầu tư vào… quan hệ thay vì đầu tư công nghệ, quản trị... xuất hiện trên mặt báo một cách trách nhiệm, đầy bản lĩnh.
Phải nhắc lại, Chính phủ đang chọn phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá” để tạo nên những bứt phá mới của nền kinh tế năm 2019 và những năm tới. Nhiều chính sách cụ thể đã được thực hiện, kích hoạt tinh thần kinh doanh, ý tưởng sáng tạo trong từng người dân, doanh nghiệp. Nhiều công trình, dự án lớn mang dấu ấn của doanh nghiệp Việt Nam đã ra đời. Báo chí đã ghi nhận.
Song cũng còn rất nhiều kế hoạch cải cách cơ chế, chính sách, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh chưa được thực hiện, cản trở các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cản trở tốc độ đi nhanh tới khát vọng thịnh vượng, hùng cường của nền kinh tế. Báo chí đã phản ánh đầy trách nhiệm và bản lĩnh.
Tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh của báo chí còn phải mạnh mẽ hơn, “máu lửa” hơn trong bối cảnh những thay đổi lớn trong nền kinh tế, trong xu hướng phát triển phát triển mới đang đặt ra những yêu cầu mới, những đòi hỏi mới. Thậm chí, báo chí sẽ còn phải tự đổi mới, tự nâng cấp để theo kịp, chảy chung với dòng chảy chính của nền kinh tế.
Trong cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị báo chí nước ta phải vượt qua thách thức mới để góp phần đưa dân tộc ta, đất nước ta tới bến bờ thịnh vượng, phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Đây là trách nhiệm cũng là sứ mệnh của báo chí hiện nay.