Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong quãng thời gian 2 năm từ COP26 đến COP28 diễn ra tại Dubai tháng 11/2023, Việt Nam đã lên kế hoạch để thực hiện các cam kết và một trong những nhiệm vụ quan trọng là huy động nguồn lực tài chính cho quá trình chuyển đổi.
Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ước tính, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới.
Trên thực tế, hành trình chuyển đổi đã được nhiều ngân hàng tham gia mạnh mẽ và mang lại được những kết quả bước đầu tích cực. Nhưng, ngoài vai trò của các ngân hàng rất cần sự tham gia và hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tài chính quốc tế với cam kết hỗ trợ cho phát triển.
Nhằm tiếp tục cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan phân tích, kiến giải, mang đến thêm thông tin về vấn đề này, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh”. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo định chế tài chính nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng trong cùng các chuyên gia về lĩnh vực này…
Hội thảo được phát trực tiếp trên các báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội của Báo Đầu tư.