Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ kết nối với cao tốc TP HCM - Trung Lương (đường màu đỏ) tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (chấm vàng). Ảnh: Google maps |
Tín hiệu cảnh báo vừa được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đưa ra đối với các bên liên quan tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ công trình cao tốc về miền Tây Nam Bộ được tổ chức vào giữa tuần này khi hầu hết các mốc tiến độ quan trọng liên quan tới công tác góp vốn và giải phóng đã bị vỡ.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông hạ tầng Cửu Long (CIMP) – đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ đại diện Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tính đến cuối tháng 8/2015, Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận mới góp được 1.408/1.542 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, đạt 91,29% yêu cầu.
“Đến thời điểm này, sau 6 tháng kể từ khi công trình được tái khởi động, chúng tôi chưa nhận được báo cáo của nhà đầu tư về đối với quy định phải hoàn thành việc huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu theo quy định của hợp đồng BOT”, ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc CIMP Cửu Long cho biết.
Điều đáng nói là suốt 3 tháng qua, CIMP Cửu Long đã nhiều lần phát văn bản đề nghị nhà đầu tư gửi xác nhận số dư tiền tài khoản tại ngân hàng nhưng Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận không thực hiện.
Theo thông tin mà Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn có được, nội bộ các bên trong Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng nảy sinh vấn đề. Cụ thể, ngay từ giữa tháng 6/2015, Công ty cổ phần Hoàng An xin rút không tham gia góp vốn bổ sung vốn chủ sở hữu Dự án, Công ty Thắng Lợi chuyển giao toàn bộ nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu cũng như quyền lợi cho Công ty Tuấn Lộc.
Không chỉ nhà đầu tư lỡ hẹn mà bản thân cơ quan nhà nước có thẩm quyền là CIMP Cửu Long cũng chính thức “tung cờ trắng” trong việc thực hiện mục tiêu hoàn thành công tác đền bù GPMB công trình trước ngày 15/8/2015 như yêu cầu của Bộ GTVT.
Tính đến ngày 24/8, Tổng công ty mới bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương 35,06km (24/28 gói).. Trong 5 gói thi công trước( khoảng 12km) đã bàn giao cọc GPMB cho địa phương được 3 gói, dự kiến 2 gói còn lại sẽ bàn giao vào ngày 12/9. Về phía địa phương, Sở Tài nguyên môi trường Tiền Giang cũng đã ký thông qua hồ sơ kỹ thuật thửa đất 5 gói khởi động.
Hiện hồ sơ kỹ thuật thửa đất hoàn chỉnh đã được gửi đến UBND huyện, thị xã để ra thông báo thu hồi đất và công khai áp giá đến các hộ dân. Về phía công địa tại Tiền Giang, mới có hồ sơ của 6/24 gói thầu được chuyển đến Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Tiền Giang để thẩm tra trước khi giao cho các huyện kiểm đếm bồi thường và phục vụ thông báo thu hồi đất.
“Trên địa bàn đang có rất nhiều dự án đồng thời triển khai do vậy việc tập trung đủ nguồn nhân sự để đáp ứng công tác GPMB cho riêng công trình bị hạn chế”, đại diện CIMP Cửu Long nêu lý do.
Là một trong những công trình trọng điểm phía Nam, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 51,1km tuyến cao tốc và 4,5km tuyến nối với tổng mức đầu tư khoảng 14.678 tỷ đồng theo hình thức Hợp đồng BOT. Dự kiến, đường cao tốc sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và hoàn vốn bằng thu phí đường bộ (dự kiến từ 01/01/2019 với thời gian thu phí hoàn vốn là 20 năm và hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương trong khoảng 11 năm).
Bức xúc với kết quả triển khai Dự án quá chậm trong khi ý kiến chỉ đạo của Bộ đều rất quyết liệt và rõ ràng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, công tác điều hành dự án của nhà đầu tư và Tổng công ty Cửu Long rất chậm, mặc dù Dự án đã khởi động được 6 tháng.
“Ban điều hành và Hội đồng quản trị Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thiếu chuyên nghiệp. Nhà đầu tư phải thay đổi cách điều hành, nếu tình hình không sớm có sự chuyển biến, Bộ sẽ có biện pháp mạnh để xử lý”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cảnh báo.