Đó là những con số rất đáng báo động do Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) cấp cao tại T.PHCM công bố tại Hội nghị Chuyên đề một số vấn đề về ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai tại các tỉnh, thành phố phía Nam diễn ra mới đây tại TP.HCM.
Tình hình khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai gia tăng cao. Năm 2017, án hành chính sơ thẩm khoảng 4.900 vụ, tuy nhiên chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2019 số lượng vụ án đã bằng cả năm 2017. Các giải pháp nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính lĩnh vực đất đai cần thực thi sớm. |
Theo đánh giá của VKSND cấp cao tại TP.HCM thì 23 tỉnh, thành Nam là khu vực phát triển năng động, đầu tàu kinh tế cả nước. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên cũng phát sinh nhiều khiếu nại, khiếu kiện liên quan đất đai.
Ông Nguyễn Đình Trung, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM đánh giá tình hình khiếu kiện hành chính diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, trong đó phần lớn liên quan đến đất đai. Theo đó, chủ yếu là các vụ khiếu kiện quyết định hành chính của UBND và Chủ tịch UBND liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội như đòi bồi thường đất ở, nâng giá bồi thường, tăng tiền hỗ trợ, bố trí tái đinh cư, đòi lại đất cũ, giải quyết việc làm, tranh chấp đất đai…
Chất lượng ban hành quyết định trong lĩnh vực quản lý đất đai đáng lo ngại. Ngày càng nhiều quyết định hành chính tại các địa phương phía Nam bị toà án tuyên huỷ vì những vi phạm, thiếu sót khi ban hành. Trong tổng số 236 quyết định hành chính bị toà án tuyên hủy thì địa phương có số lượng cao nhất là TP.HCM với 37 quyết định. Xếp ngay sau đó là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với 35 quyết định bị huỷ. Kế đến là các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Long An, Kiên Giang với số lượng mỗi tỉnh từ 15 - 16 quyết định hành chính bị tuyên huỷ. Theo VKSND cấp cao tại TP.HCM thì những vi phạm chủ yếu bao gồm: vi phạm về thẩm quyền ban hành; vi phạm trình tự, thủ tục ban hành; vi phạm về nội dung.
Ông Nguyễn Đình Trung chỉ ra nguyên nhân tình trạng trên đây một phần do pháp luật đất đai chưa hoàn thiện, chưa khắc phục được những bất cập nảy sinh trong thực tiễn, quá trình áp dụng pháp luật làm phát sinh các xung đột về lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân có đất bị thu hồi. Lĩnh vực đất đai tuy có quy phạm điều chỉnh về ban hành quyết định hành chính nhưng các quy định cũng chưa đầy đủ và đồng bộ. Mặt khác, cơ chế tham mưu, tham vấn, phối hợp giữa các cơ quan trước khi ban hành quyết định chưa phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân chủ quan do trình độ năng lực, nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo UBND các cấp và các cơ quan tham mưu ban hành quyết định hành chính chưa đảm bảo cũng dẫn tới vi phạm, thiếu sót.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương như TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Kiên Giang... tham luận nhiều khía cạnh thực tiễn và kinh nghiệm để hạn chế phát sinh khiếu kiện bắt nguồn từ quyết định hành chính, đồng thời góp ý sửa đổi pháp luật về đất đai để bắt nhịp với thực tiễn.
Các địa phương lo ngại ngày càng nhiều quyết định hành chính bị toà án tuyên huỷ vì những vi phạm, thiếu sót khi ban hành. |
Theo VKSND cấp cao tại TP.HCM thì để “chữa bệnh” ban hành quyết định hành chính về đất đai sai luật cần thực thi nhóm 5 giải pháp. Đó là, hoàn thiện pháp luật, nhất là Luật Đất đai, các văn bản hướng dẫn và văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc ban hành quyết định hành chính; xây dựng cơ chế tham vấn ý kiến, phối hợp kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội khi han hành quyết định hành chính; nâng cao trách nhiệm, nhận thức và trình độ năng lực của UBND và cơ quan tham mưu; phối hợp tốt giữa cơ quan tiến hành tố tụng hành chính và cơ quan hành chính; tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác ban hành quyết định hành chính lĩnh vực đất đai.
Ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá, tình hình khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai gia tăng cao. Số liệu thông kế năm 2017, án hành chính sơ thẩm khoảng 4.900 vụ. Nhưng chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2019 số lượng vụ án đã bằng cả năm 2017. Thực tế này phản ánh những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý. Ông Phàn đề nghị các cơ quan tố tụng và UBND các cấp tăng cường phối hợp để giảm khiếu kiện quyết định hành chính về đất đai tránh nguy cơ bùng nổ điểm nóng.
Theo đó, cần sớm tập hợp và kiến nghị những vấn đề lớn, vấn đề khó trong thực tiễn nảy sinh để sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai. Các giải pháp nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính lĩnh vực đất đai cần thực thi. Ngành Kiểm sát nhanh chóng phối hợp với toà án rà soát các khiếu kiện hành chính để chủ động thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước về các vi phạm để có giải pháp tháo gỡ, tránh tình trạng tòa án tuyên hủy quyết định hành chính do vi phạm.