Trong số gần 700 doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM, có tới 70% số doanh nghiệp mong muốn và sẵn sàng cho người lao động tham gia quỹ hưu trí bổ sung |
Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm hưu trí bổ sung, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, một số doanh nghiệp muốn thu hút nhân tài mong muốn có một chế độ đãi ngộ người lao động về khoản lương hưu bổ sung trong tương lai để khuyến khích họ làm việc lâu dài cho doanh nghiệp. Trên thực tế, một số công ty như (Unilever Việt Nam, Dutch Lady Việt Nam, Nestlé Việt Nam...) đã áp dụng hình thức đãi ngộ này thông qua việc trích lập một quỹ hưu trí bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để chi trả lương hưu bổ sung cho người lao động khi họ hết tuổi lao động.
“Như vậy, doanh nghiệp đang mong muốn có một chính sách của Nhà nước cùng với ưu đãi về thuế nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội”, bà Nga nói.
Dự thảo nghị định này cũng được xem sẽ giúp người lao động có mức lương cao hơn khi nghỉ hưu, tương ứng với mức họ đi làm mà không bị giới hạn trần đóng BHXH. Bởi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Theo quy định, giá trị tối thiểu tài khoản tiết kiệm cá nhân cần đủ để chi trả lương hưu bổ sung trong 20 năm là 120 lần mức lương cơ sở nhằm bảo đảm mức hưởng lương hưu bổ sung thấp nhất bằng 1/2 mức lương cơ sở.
Khoản 4, Điều 17, Dự thảo quy định: “Khoản đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung của người sử dụng lao động thấp hơn hoặc bằng 22% của 20 lần mức lương cơ sở và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp”. Khoản đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung của người lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Để khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung và tăng tính hấp dẫn của chính sách, Dự thảo nghị định quy định thêm một số hình thức đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn như trái phiếu chính phủ, chứng chỉ quỹ mở trái phiếu, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng và các chứng chỉ quỹ mở khác đáp ứng quy định của Bộ Tài chính.
Trước khi đưa ra Dự thảo nghị định này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện khảo sát từ năm 2011. Kết quả cho thấy, trong số gần 700 doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM, có tới 70% số doanh nghiệp mong muốn và sẵn sàng cho người lao động tham gia quỹ hưu trí bổ sung.
Tuy nhiên, hiện đã có những ý kiến về tính chính xác của cuộc khảo sát, do cuộc khảo sát được thực hiện từ 4 năm về trước và đi kèm với thực tế là rất nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ nộp bảo hiểm bắt buộc cho người lao động theo mức tiền lương tối thiểu chứ không nộp trên lương theo hợp đồng lao động mà doanh nghiệp thực trả. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn nợ lương của công nhân, nợ tiền đóng BHXH bắt buộc, thì làm sao tham gia thêm bảo hiểm hưu trí tự nguyện được.
Báo cáo từ BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31/8/2015, tổng số nợ BHXH là hơn 8.969 tỷ đồng. Thậm chí, trong tổng số trên 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động có tham gia BHXH, BHYT mà BHXH Việt Nam đang quản lý chỉ có khoảng gần 200.000 đơn vị, với số lao động tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ đạt 24,6% lực lượng lao động.
Trong khi đó, theo Điều 2, Dự thảo nghị định, trước mắt chỉ áp dụng đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Lý giải vấn đề này, bà Nga cho biết, khối công chức nhà nước và những doanh nghiệp nhà nước chưa áp dụng chính sách này do ngân sách nhà nước không đủ điều kiện.
Cơ chế tạo lập quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung dựa trên sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật. Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận thống nhất mức và thời điểm đóng góp, điều chỉnh tăng/giảm, hoặc tạm dừng đóng góp theo quy định tại hợp đồng quản lý tài khoản tiết kiệm cá nhân.
“Doanh nghiệp và người lao động sẽ thỏa thuận về việc sẽ là tài khoản chung hay riêng của cá nhân người lao động và độ dài thời gian thực hiện đóng góp”, bà Nga giải thích thêm.
Tuy nhiên, ông Trương Hồng Dương, Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, tính chất của tài khoản dựa trên thỏa thuận giữa 2 bên, do đó, nếu không có quy định xử lý khi có vi phạm và cơ chế giải quyết cụ thể sẽ rất khó cho cả doanh nghiệp và người lao động. “Cùng với đó, nếu là tài khoản chung thì làm sao người lao động được toàn quyền hưởng”, ông Dương đặt câu hỏi.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng đặt câu hỏi, liệu chính sách đã đủ sức hấp dẫn để người lao động, khi có thể họ sẽ phải đóng một khoản tiền hàng tháng trích ra từ lương cùng với chủ sử dụng để tạo một tài khoản đến tuổi nghỉ hưu mới được hưởng, đó là chưa tính tới trượt giá và nhiều yếu tố khác.
“Như vậy, chính sách này chỉ có thể được thực hiện ở cấp độ doanh nghiệp toàn cầu, doanh nghiệp lớn muốn giữ chân người lao động giỏi với cơ chế đóng phần lớn từ phía doanh nghiệp”, ông Tân nói.