Thực tế, kể từ khi các cơ quan chức năng có ý định triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đã có khá nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bày tỏ mong muốn được chọn để triển khai sản phẩm này, bởi đây là sản phẩm khá hấp dẫn, với dư địa khách hàng rất rộng. Báo cáo về chỉ số lạc quan của nhà đầu tư vừa được Tập đoàn Manulife công bố cũng cho thấy, tại những quốc gia đang phát triển, người dân luôn cảm thấy chưa tích lũy đủ nguồn lực tài chính cho khoảng thời gian hưu trí sau này. Trong khi đó, phần lớn các nước châu Á vẫn chưa có một hệ thống hưu trí đáp ứng nhu cầu của người dân, nên người dân vẫn có thói quen tích lũy nhiều tài sản để đảm bảo cho cuộc sống sau khi về hưu. Điều này khá tương đồng với đặc điểm của thị trường Việt Nam.
Dù dư địa rất lớn, nhưng bảo hiểm hưu trí tự nguyện không dễ triển khai
Vì những cơ hội to lớn như vậy, nên nhiều công ty bảo hiểm khá háo hức với dự thảo này. Tuy nhiên, vì là loại hình bảo hiểm mới ở Việt Nam, nên các cơ quan chức năng cũng tỏ ra khá thận trọng khi xem xét những doanh nghiệp được tham gia cung cấp sản phẩm. Theo quy định tại Dự thảo, khi triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện như: vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng; biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 300 tỷ đồng; phải thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện. Doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng vốn chủ sở hữu đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện không thấp hơn 200 tỷ đồng và không được sử dụng tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện để chi trả các khoản tiền phạt do vi phạm pháp luật, các khoản nợ hoặc vi phạm hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; phải có chuyên gia tính toán và chuyên gia đầu tư có bằng cấp và tối thiểu 3 năm kinh nghiệm triển khai bảo hiểm hưu trí…
Với những điều kiện trên, sẽ chỉ có khoảng 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam có thể triển khai sản phẩm này. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành, nếu các quy định trong Dự thảo vẫn được giữ nguyên, thì các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không dám triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, bởi có những quy định khó thực thi đối với thực tế thị trường Việt Nam.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một loại hình không dễ triển khai. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai nhưng không thành công vì luật quy định quá chặt chẽ, khiến doanh nghiệp không thể làm. Đối với Việt Nam, khi xây dựng dự thảo này, Bộ Tài chính cũng đã rút kinh nghiệm ở các nước, nhưng vẫn còn khá nhiều điểm khiến doanh nghiệp băn khoăn và cho rằng khó khả thi.
Chẳng hạn như quy định công ty bảo hiểm phải có chuyên gia tính toán và chuyên gia đầu tư có bằng cấp và tối thiểu 3 năm kinh nghiệm triển khai bảo hiểm hưu trí. “Đòi hỏi điều này là rất bất hợp lý, vì hiện tại ở Việt Nam, chưa có công ty bảo hiểm nào triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện thì làm sao có kinh nghiệm tới 3 năm được”, đại diện công ty bảo hiểm trên nói và cho rằng, chỉ cần quy định các chuyên gia này có bằng cấp và tối thiểu 3 năm kinh nghiệm triển khai các sản phẩm tương tự là được rồi.
Một điểm gây khó khăn nữa đối với DN bảo hiểm là quy định phải góp quỹ hưu trí tự nguyện 200 tỷ đồng, bởi đây là khoản tiền không nhỏ. Cùng với đó là việc phải hoàn thiện lại hệ thống CNTT để có thể theo dõi và quản lý chi tiết từng giao dịch của tài khoản bảo hiểm hưu trí cá nhân. Đây cũng là một vấn đề khó khăn với ngay cả một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn trên thị trường hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp bảo hiểm cảm thấy khó khăn nhất và nếu có triển khai cũng phải thiết kế lại toàn bộ sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện vì quy định mức hoa hồng chi lại cho đại lý bảo hiểm chưa thực sự hợp lý.
“Quy định về mức chi hoa hồng đại lý như trong Dự thảo sẽ không hấp dẫn được các đại lý bảo hiểm tham gia bán sản phẩm này. Các công ty bảo hiểm không thể triển khai được sản phẩm bảo hiểm hưu trí với một mức chi hoa hồng như vậy”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết.
Ngọc La
ĐTCK