Ngân hàng - Bảo hiểm
Bảo hiểm nhân thọ: Doanh thu phí bảo hiểm gốc có thể tăng trưởng 30%
Gia Linh - 08/10/2017 14:10
Vẫn còn hơn 2 tháng nữa mới kết thúc năm tài chính 2017, song theo một số công ty bảo hiểm nhân thọ, ngành này sẽ sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu phí bảo hiểm có thể vượt mục tiêu cả năm, chạm mốc 30%...
Mục tiêu tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ trong năm 2017 là 23,4%

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 7 tháng đầu năm 2017, ngành bảo hiểm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, với tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt trên 56.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới 7 tháng đầu năm của riêng khối nhân thọ ước đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng trên 30% so với cùng kỳ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo Việt Nhân thọ vẫn đang dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới, theo sau là Prudential, Dai-ichi Life Việt Nam, Manulife Việt Nam, AIA Việt Nam và Generali Việt Nam… Trong khi đó, Dai-ichi Life Việt Nam đang gây chú ý về cả tốc độ tăng trưởng lẫn quy mô mở rộng thị trường với việc tập trung đẩy mạnh chiến lược chiếm lĩnh các kênh phân phối quan trọng.

Tính đến tháng 8/2017, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam đạt khoảng 11,5% và đứng vị trí thứ 3 về doanh số khai thác mới. Với mạng lưới đại lý rộng, Dai-ichi Life Việt Nam đã và đang từng bước đẩy mạnh phát triển bancassurance, một trong những kênh phân phối chiến lược của hãng bảo hiểm này. Tính từ đầu năm tới nay, Dai-ichi Life Việt Nam đã ký kết hợp tác với 4 ngân hàng, trong đó có 2 thương vụ là hợp tác độc quyền dài hạn…

Bên cạnh đối tác chiến lược là các ngân hàng, Dai-ichi Life Việt Nam cũng mở rộng sự hợp tác thông qua việc độc quyền phân phối qua kênh VNPost…

Đây là thế mạnh giúp hãng bảo hiểm này duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu khai thác phí bảo hiểm ở mức cao, đồng thời khiến các doanh nghiệp đang nắm giữ thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm thứ 2 và thứ 3 thị trường e ngại.

Hiện tại, về tổng doanh thu phí, Manulife Việt Nam là doanh nghiệp có thị phần thứ 3 trên thị trường, nhưng khoảng cách với doanh nghiệp có vị trí thứ 4 là Dai-ichi Life Việt Nam chỉ là gần 2% (số tạm tính đến tháng 7/2017 của Cục Quản lý giám bảo hiểm).

Nói như vậy không có nghĩa là các doanh nghiệp nhóm trên đang “đứng yên”. Manulife Việt Nam cũng đang có nhiều hoạt động hợp tác nhằm đẩy mạnh phân phối sản phẩm, đặc biệt trong mảng bancassurance - kênh phân phối chiếm hơn 20% tổng doanh thu phí bảo hiểm của hãng bảo hiểm này.

Prudential sau thời gian ổn định nhân sự và giải quyết một số sự cố, hiện đang từng bước củng cố lại vị thế của mình. Tính đến thời điểm hiện tại, Prudential này vẫn đứng ở vị trí thứ 2 sau Bảo Việt Nhân thọ cả về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới và tổng doanh thu.

Trở lại câu chuyện tốc độ tăng trưởng của khối nhân thọ năm 2017, chia sẻ với Báo Đầu tư chứng khoán, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, thời gian vừa qua, mặc dù thị trường bảo hiểm bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những thông tin không tích cực, nhưng với sự nỗ lực thay đổi của từng doanh nghiệp, thị trường đã có những tín hiệu tốt hơn.

“Doanh thu khai thác mới của nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc trong những tháng vừa qua và có thể duy trì trong những tháng cuối năm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Thậm chí, nếu thị trường tiếp tục duy trì sự tích cực như dự báo, doanh thu khai thác phí bảo hiểm mới của toàn khối có thể tăng tới hơn 30%, vượt yêu cầu đặt ra cho năm nay”, vị tổng giám đốc này cho hay. Được biết, mục tiêu tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ trong năm 2017 là 23,4%, tương ứng mức tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là 62.294 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia trong ngành, thời gian tới, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam được dự báo sẽ vẫn sôi động bởi các dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường, đặc biệt là từ các tập đoàn tài chính đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

Ngoài lý do tại các thị trường phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ không còn nhiều dư địa để tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm, trong khi tại Việt Nam, tỷ lệ dân số có bảo hiểm nhân thọ vẫn còn quá thấp… thì các tập đoàn tài chính này còn nhìn thấy cơ hội về sự tăng trưởng kinh tế khi mức thu nhập trung bình của người dân tăng cao, bên cạnh “khoảng trống” lớn về bảo hiểm trong tầng lớp dân số trẻ có tuổi đời từ 25 đến 40 tuổi.

“Tập trung đầu tư vào công nghệ sản phẩm mới để kết nối những khách hàng này là mục tiêu trọng tâm của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Việc tuyên truyền và nâng cao ý thức khách hàng về bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ từng bước được công nghệ hóa với nhiều hình thức tiếp cận mới chưa từng có tại thị trường này”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Tin liên quan
Tin khác