Cú đấm kép
Covid-19 diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế từ các ngân hàng trung ương đã kéo mặt bằng lãi suất trên toàn thế giới giảm sâu. Những yếu tố này đang tác động trực tiếp tới 2 trụ lực của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ: kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cập nhật cuối năm 2019, gần 74,6% danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ là tiền gửi ngắn hạn, nên 3 đợt cắt giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng của Ngân hàng Nhà nước được xem là một cú đấm trực diện, làm thu hẹp đáng kể lợi nhuận đầu tư. Tuy nhiên, xu hướng chuyển sang các khoản tiền gửi dài hạn trong quý đầu năm 2020, như ghi nhận của VCSC, sẽ giúp bù đắp một phần ảnh hưởng tiêu cực.
Phân bổ danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng được một số công ty thực hiện, nhưng giá trị đầu tư chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, bởi không dễ lựa chọn phù hợp khẩu vị rủi ro.
Trong khi đó, ở mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, tín hiệu giảm tốc của ngành đã được thấy từ quý I/2020. Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm ở lĩnh vực phi nhân thọ trong 2 quý đầu năm đều là 8%, rơi về mức một con số sau 2 năm tăng trưởng 2 con số.
Chia sẻ với các cổ đông tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông tổ chức cuối tháng 6/2020, ông Đỗ Trường Minh, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt cho biết, bảo hiểm phi nhân thọ là lĩnh vực “đi theo” các ngành nghề khác. Khi các chuyến bay, tour du lịch phải dừng, giao thông vận tải đình trệ…, thì doanh số bảo hiểm đương nhiên cũng ảnh hưởng theo.
Tại mùa đại hội cổ đông năm nay, hầu hết các doanh nghiệp nhóm bảo hiểm phi nhân thọ đều ra kế hoạch thận trọng. Phần lớn các công ty dự kiến lợi nhuận giảm. Theo nhận định của VCSC, doanh thu phí bảo hiểm của nhóm này vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 11,1% trong năm 2020, với động lực chính từ nhu cầu cao về bảo hiểm sức khỏe.
Sức bật của lò xo nén ở các ngành nghề khác sau “cú đấm” của Covid-19 cũng sẽ quyết định nhu cầu thị trường trong nửa cuối năm nay. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 28/6 đến hết năm 2020 được kỳ vọng kích thích nhu cầu mua xe mới. Nhờ vậy, mảng bảo hiểm xe cơ giới có thể đón được cơ hội phục hồi.
Cú hích giải ngân vốn đầu tư công, nếu có thể hiện thực hóa, cũng giúp tăng nhu cầu mảng bảo hiểm xây dựng lắp đặt. Hiện tại, đây được xem là một trong 3 trụ cột của “cỗ xe tam mã” tăng trưởng kinh tế.
Cạnh tranh từ “lính mới”
Không chỉ chuyển sang một giai đoạn không dễ duy trì lợi nhuận đầu tư và đoán định về thị trường, ngành bảo hiểm phi nhân thọ tới đây còn chứng kiến áp lực cạnh tranh nhiều hơn từ chính bên trong.
Đến cuối năm 2019, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có 31 doanh nghiệp. Chỉ 5 trong số này nắm giữ gần 60% thị phần doanh thu phí toàn ngành, gồm Bảo Việt (20,3%), PVI (14%), PTI (10,3%), Bảo Minh (7,1%), PJICO (5,7%). Nhưng danh sách này có thể bị xáo trộn.
Hồi tháng 5/2020, Công ty TNHH HD Insurance do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên đã được thành lập sau thời gian xin cấp phép từ Bộ Tài chính. Mức vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng giúp doanh nghiệp này nhanh chóng vào Top 3 của ngành.
Ngay cả những “người cũ” cũng hứa hẹn màn lột xác. Nửa cuối năm nay sẽ là thời gian để SCIC bán 50,7% vốn tại Bảo Minh (BMI) để hoàn thành “hạn chót” như kế hoạch đề ra. Thương vụ thoái toàn bộ gần 37% vốn nhà nước của PVN tại PVI dù đã rục rịch từ lâu, nhưng chưa hoàn tất. Kế hoạch tìm nhà đầu tư chiến lược để chuyển nhượng lại 25% vốn tại Bảo hiểm Quân đội (MIC) của MBBank đề ra từ các năm trước. Phương án nới room ngoại lên 100% của Bảo hiểm Xăng dầu (PIJICO) và Bảo hiểm Bưu điện đã được thông qua ở kỳ họp Đại hội này.
Những động thái trên được kỳ vọng tạo thay đổi về quản trị, mà ảnh hưởng xa hơn là những quyết định và hoạt động của công ty để thích ứng với bối cảnh mới.