Tài chính - Chứng khoán
Bảo hiểm tài sản công: Tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư
Chí Tín - 06/12/2015 20:41
Bảo hiểm tài sản công không những được coi là phương tiện bảo vệ hữu hiệu ngân sách nhà nước, mà theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, tài sản công, nếu được phòng vệ hữu hiệu bằng công cụ bảo hiểm, thì sẽ tăng sức hấp cho môi trường đầu tư.

Hạ tầng công cộng - yếu tố quan trọng của môi trường đầu tư

Theo công bố mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 12 bậc so với năm 2014.

Các tiêu chí đánh giá của WEF được chia thành 3 nhóm chính, gồm: yêu cầu căn bản (kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản - y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); yếu tố nâng cao (giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường) và các yếu tố về tinh vi - đột phá (sự tinh vi của hệ thống doanh nghiệp, khả năng đột phá).

.

Trong 3 nhóm tiêu chí trên, Việt Nam được chấm điểm cao nhất ở yêu cầu căn bản, với 4,54 điểm, xếp thứ 72. Một số tiêu chí nhỏ cũng có sự cải thiện, như kinh tế vĩ mô (hạng 69), độ hiệu quả của thị trường hàng hóa (83), cơ sở hạ tầng (76), quy mô thị trường (34) và trình độ công nghệ (92).

Đặc biệt, chỉ số về hạ tầng giao thông tăng 9 bậc (từ thứ hạng 76 trong báo cáo 2014 - 2015 tăng lên hạng 67 trong báo cáo 2015 - 2016). Chỉ số cạnh tranh về chất lượng đường bộ giai đoạn 2015 - 2016 đứng thứ 93, tăng 11 bậc (giai đoạn 2014 - 2015 đứng thứ 104); chất lượng cảng đứng thứ 76, tăng 12 bậc (giai đoạn 2014-2015 đứng thứ 88); chất lượng hàng không đứng thứ 75, tăng 12 bậc (giai đoạn 2014-2015 đứng thứ 87)…

So sánh mức tăng chỉ số cạnh tranh cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam với các nước lớn trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia..., có thể thấy, chỉ số của Việt Nam tăng đột phá, trong khi Trung Quốc và Indonesia vẫn giữ nguyên vị trí, Malaysia tăng 1 bậc, Singapore bị hạ 1 bậc.

Vai trò của bảo hiểm tài sản công đối với FDI

Sự cải thiện về cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng tác động tích cực đến việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tính đến nay, tổng vốn FDI đăng ký đạt 270 tỷ USD, với 19.000 dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, tổng vốn FDI đã giải ngân đạt 135 tỷ USD.

Riêng 10 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 19,29 tỷ USD, tăng 53%; vốn giải ngân mới đạt gần 10 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong 3 quý đầu năm 2015, rất nhiều đại dự án có vốn đầu tư rất lớn được cấp phép. Chẳng hạn, Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD của nhà đầu tư Malayssia đầu tư tại Trà Vinh; Dự án Công ty SamSung Display Việt Nam của Hàn Quốc với vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD tại Khu công nghiệp Bắc Ninh. Ngoài ra, Dự án Công ty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD tại TP.HCM; Dự án Cty TNHH Hyosung Đồng Nai có tổng vốn đầu tư 660 triệu USD...

Mặc dù tài sản công - đặc biệt là cơ sở hạ tầng - có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài, nhưng khối tài sản này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khó lường. Trong các tình huống rủi ro, rủi ro thiên tai có xu hướng xảy ra với tần suất cao nhất và gây ra thiệt hại lớn. Trung bình mỗi năm, rủi ro thiên tai làm chết khoảng 500 người, gây thiệt hại 14.500 tỷ đồng, tương đương 1,2 - 1,5% GDP.

Thực tế cho thấy, thiên tai thường có quan hệ trái chiều, có ý nghĩa thống kê đối với vốn FDI của quốc gia. Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và Bộ Kinh tế Thương mại và Đầu tư Thái Lan đã đưa ra thống kê về mối quan hệ giữa rủi ro thiên tai năm 2011 và thái độ, tâm lý của nhà đầu tư Nhật Bản. Kết quả cho thấy, 22-30% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ không cân nhắc tiếp tục đầu tư thêm vào Thái Lan và sẽ tìm nơi khác để đa dạng hóa rủi ro.

Theo kết quả nghiên cứu thuộc Chương trình Đánh giá rủi ro thiên tai do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, bảo hiểm tài sản công là một công cụ hiệu quả để bảo vệ và cải thiện môi trường đầu tư. Nhiều quốc gia đã luật hóa các quy định liên quan đến bảo hiểm tài sản công, đưa vào danh mục bảo hiểm bắt buộc như Philippines, Mexico, Panama, Australia...

Thực tế trên cho thấy, Việt Nam cần sớm luật hóa các nội dung liên quan đến bảo hiểm tài sản công vào các văn bản pháp luật. Điều này không những góp phần bảo vệ an toàn khối tài sản nhà nước, mà còn đảm bảo sự yên tâm cho các doanh nghiệp nước ngoài khi kinh doanh tại Việt Nam, góp phần thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI, thúc đẩy nền kinh tế đất nước, nâng cao đời sống nhân dân…

Tin liên quan
Tin khác