Cụ thể, ngành BHXH đã triển khai đầu tư nhiều hoạt động ứng dụng CNTT; từng bước đầu tư xây dựng hệ thống CNTT của ngành là hệ thống tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tuân thủ theo khung kiến trúc chính phủ điện tử, đồng thời gắn kết chặt chẽ với quá trình cải cách hành chính, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020.
Báo cáo về kết quả đạt được trong ứng dụng CNTT giai đoạn từ năm 2015 đến nay cho thấy, ngành BHXH hết sức chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về ứng dụng CNTT để từng bước hoàn thiện môi trường pháp lý trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong toàn ngành, đặc biệt, những văn quan trọng, tạo nền tảng pháp lý để đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong toàn ngành như Quyết định 319/QĐ-BHXH, Quyết định 1090/QĐ-BHXH…
Là ngành có giao tiếp rất nhiều với người dân, BHXH Việt Nam xác định ứng dụng CNTT là phương thức tối ưu để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Ngoài ra, để triển khai các ứng dụng CNTT, ngành BHXH đã lắp đặt mạng diện rộng (WAN) và mạng Internet đối với 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 quận/ huyện khắp cả nước, tạo thuận tiện trong quản lý và cấp sổ BHXH và thẻ BHYT.
Trong năm 2015, BHXH Việt Nam đã điều chỉnh bổ sung, mở rộng băng thông để đáp ứng tốt hơn việc sử dụng phần mềm lõi BHXH, khai thác các hệ thống tập trung của ngành hay việc chuyển, nhận hồ sơ điện tử BHXH của các dịch vụ công trực tuyến trên mạng; BHXH Việt Nam đã thực hiện xuyên suốt phương án thuê đường truyền kết nối cấp tỉnh - huyện, luôn sẵn sàng cho việc kết nối liên thông các hệ thống ứng dụng điều hành, tác nghiệp và hoạt động giao dịch trực tuyến; Tiến hành nâng cấp, trang bị máy chủ, hệ thống máy trạm và các thiết bị mạng tại BHXH các tỉnh, huyện. Các thiết bị mạng, an ninh mạng được nâng cao chất lượng để việc kết nối giữa các cơ quan BHXH các cấp luôn liền mạch; Xây dựng hệ thống thư điện tử ngành BHXH đảm bảo tích hợp với cổng thông tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số phục vụ việc triển khai giao dịch điện tử được hiệu quả. Đặc biệt, toàn bộ các đơn vị từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố đều được trang bị hệ thống hội nghị truyền hình, đảm bảo cho việc thiết lập, vận hành các kênh họp giao ban điện tử giữa các đơn vị; Cung cấp chứng thư số cho cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo trong giai đoạn I.
Bên cạnh đó, toàn ngành tập trung xây dựng phần mềm lõi của Ngành BHXH (3S), tập trung hóa dữ liệu đối tượng tham gia BHXH, đã triển khai thí điểm xong tại BHXH 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và TP.HCM, đang đánh giá để triển khai trên phạm vi toàn quốc; Xây dựng hệ thống giao dịch Bảo hiểm xã hội điện tử (phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội (KBHXH), phần mềm cổng thông tin điện tử bảo hiểm xã hội (BHXH - VAN), phần mềm cổng thông tin giao dịch điện tử (iGW), phần mềm xử lý nghiệp vụ tiếp nhận và quản lý hồ sơ.
“Là ngành có giao tiếp rất nhiều với người dân và đơn vị sử dụng lao động, BHXH Việt Nam xác định ứng dụng CNTT, đặc biệt là giao dịch BHXH điện tử là phương thức tối ưu để thực hiện giảm 1/3 số lần và 50% số giờ thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp”, đại diện BHXH Việt Nam cho biết.
Để có cơ sở pháp lý triển khai hệ thống giao dịch BHXH điện tử, BHXH Việt Nam đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 9/3/2015 thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để BHXH Việt Nam chính thức tiến hành giao dịch BHXH điện tử. Lãnh đạo ngành đã chỉ đạo các đơn vị tập trung cao độ triển khai chuẩn bị các điều kiện nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp đường truyền kết nối WAN từ tỉnh lên Trung ương, hệ thống phần mềm giao dịch điện tử, chữ ký số… để triển khai Quyết định.
BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 528/QĐ-BHXH quy định về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Ngày 18/5/2015, Thủ tướng Chính phủ chính thức nhấn nút khai trương Hệ thống giao dịch điện tử và chỉ sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, Hệ thống đã thu hút hơn 82.000 đơn vị đăng ký sử dụng, cao nhất đạt 7.500 doanh nghiệp đăng ký sử dụng trong 1 tuần.
Ngành BHXH cũng dồn lực xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công cuộc cải cách về CNTT của ngành. Hệ thống cho phép kê khai thông tin hộ gia đình, các thành viên trong hộ, mang lại ý nghĩa to lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân giao dịch dễ dàng với cơ quan BHXH với một mã định danh.