Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa thông tin về kết quả hoạt động trong 7 tháng đầu năm. Theo đó, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để giảm nợ đọng.
Kết quả, tính đến hết tháng 7/2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,94 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 230.000 người; bảo hiểm thất nghiệp 11,89 triệu người; bảo hiểm y tế 81,69 triệu người, chiếm 87,2% dân số.
Trong 7 tháng đầu năm, Bảo hiểm Xã hội đã chi gần 56.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Đ.T |
Lũy kế đến hết tháng 7/2018, tổng số thu đạt 178.823 tỷ đồng, bằng 54,2% kế hoạch cả năm; giải quyết 69.206 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; giải quyết hơn 456.000 người hưởng trợ cấp 1 lần; hơn 5,7 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Bảo hiểm Xã hội đã chi 173.082 tỷ đồng, đạt 58,79% kế hoạch cả năm. Trong đó, chi bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách 25.773 tỷ đồng, từ Quỹ Bảo hiểm xã hội 87.020 tỷ đồng, chi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 4.452 tỷ đồng và ước chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 55.837 tỷ đồng.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, thời gian tới, cơ quan này tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tăng cường thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi phạm pháp luật.
Nợ đọng giảm mạnh
Ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, nhờ việc triển khai chức năng thanh tra, kiểm tra và thực hiện Bộ luật Hình sự 2015, việc thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm xã hội tính đến hết tháng 7/2016 chỉ còn 3,6%, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng 5% những năm trước.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội, trong 7 tháng đầu năm 2018, cơ quan này đã thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành hơn 8.000 đơn vị. Kết quả thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho thấy, có hơn 17.786 lao động chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian phải tham gia. Tổng số tiền nợ còn phải truy thu là 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng có 553 lao động có mức đóng thừa thời gian hoặc đóng không đúng đối tượng và phải thoái thu, hoàn trả 1,8 tỷ đồng.
Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ là 1.146 tỷ đồng và trong thời gian thanh tra, kiểm tra, các đơn vị này đã nộp hơn 475 tỷ đồng. Sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra, các đơn vị này nộp tiếp 186 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, đã lập biên bản vi phạm đối với 407 đơn vị, ban hành 364 quyết định xử phạt hành chính với số tiền là 11,2 tỷ đồng. Hiện mới thu được 2,8 tỷ đồng.
Theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban Thu (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), cơ quan này đã áp dụng nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng, như đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động, thu ngay khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng. Tiếp đó là thanh tra, kiểm tra, xử phạt, kết hợp với công khai danh tính doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, kể từ cuối năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, với việc Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực và bổ sung các tội danh liên quan đến chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội (Điều 214, 215, 216), ý thức nộp tiền bảo hiểm xã hội của các đơn vị sử dụng lao động đã có chuyển biến. Hiện tại, mức hình phạt tù cao nhất cho hành vi này là 7 năm và mức phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỷ đồng.
“Bảo hiểm Xã hội đã phối với với cơ quan điều tra để xử lý các trường hợp nợ bảo hiểm xã hội có dấu hiệu hình sự. Đây là giải pháp quyết liệt và có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, không phải cứ nợ đọng bảo hiểm xã hội là đưa ra cơ quan điều tra. Trước hết, sẽ đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính và yêu cầu nộp số tiền nợ đọng.