Một bệnh nhân ở Nha Trang (Khánh Hòa) thuộc diện khó khăn, được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chẩn đoán mắc bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền (bệnh máu khó đông). Tổng chi phí điều trị của bệnh nhân này là hơn 1 tỷ đồng, trong đó chi phí lớn nhất là tiền thuốc (thuốc thành phần yếu tố đông máu VIII). Đây là mức chi phí chữa bệnh cực lớn đối với người dân không có điều kiện về kinh tế.
Một trường hợp khác, bệnh nhân ở huyện Kim Bôi (Hoà Bình) vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân này có chi phí khám chữa bệnh 1,2 tỷ đồng, trong đó chi phí lớn nhất là tiền thuốc với nhiều loại thuốc đắt đỏ như thuốc kháng sinh chống nấm Cancidas 50mg; thuốc Colistimetato...
Đây là hai trường hợp điển hình trong số nhiều trường hợp khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT có mức chi phí lớn. Tính đến hết tháng 5/2019, cả nước có trên 68,5 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với số tiền đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán là 37.688 tỷ đồng.
Có thể thấy, thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn. Người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả 80% đến 100% chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi và quyền lợi hưởng tùy thuộc vào nhóm đối tượng.
Tính chung, ở nước ta, tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Đây là kết quả có được từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Với mức đóng không cao, nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo.
Với những lợi ích đó và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của hệ thống BHXH Việt Nam, số người tham gia BHYT ở nước ta ngày càng tăng cao. Hết tháng 5/2019, toàn quốc có 84 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 11% dân số, tương đương khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT.
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT đã được đẩy mạnh, hình thức và nội dung truyền thông cũng được đổi mới nhằm tiếp cận gần hơn tới người dân. Nhận thức của đa số nhân dân về chính sách BHYT đã được nâng lên.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa tham gia BHYT do nhiều nguyên nhân, trong đó, một bộ phận chưa tham gia do khó khăn về kinh tế. Điều này đang tạo ra “lỗ hổng” trong hệ thống an sinh xã hội ở nước ta, khiến nhiều người có nguy cơ rơi vào bẫy nghèo đói, nếu chẳng may ốm đau, gặp tai nạn.
Trên thực tế, nguy cơ bệnh tật đang có chiều hướng gia tăng, trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng dần theo mức tính đủ các yếu tố (gồm cả lương của cán bộ y tế). Trong bối cảnh đó, việc tham gia BHYT là một lựa chọn sáng suốt, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám chữa bệnh đối với từng người dân. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chưa tham gia BHYT là việc làm cần thiết, mang lại những tác động xã hội sâu sắc.
Hướng tới thực hiện có hiệu quả mục tiêu BHYT toàn dân, từ tháng 6 đến tháng 12/2019, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức Chương trình “Hỗ trợ mua, tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo” tại 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền của đất nước. Chương trình dự kiến hỗ trợ mua, tặng thẻ BHYT cho khoảng 2.400 đối tượng khó khăn từ nguồn kinh phí đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống BHXH Việt Nam và sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Hiện BHXH Việt Nam đã vận động, quyên góp toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống BHXH Việt Nam đóng góp mỗi người 1 ngày lương để gây quỹ hỗ trợ, tặng thẻ BHYT. Bên cạnh đó, Chương trình cũng kêu gọi sự chung tay, vào cuộc của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ tài chính, hiện vật cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại một số bệnh viện tuyến Trung ương.
BHXH Việt Nam mong muốn, với số tiền hỗ trợ của Chương trình, có thể giúp những người có hoàn cảnh khó khăn yên tâm, ổn định hơn trong cuộc sống từ sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng thông qua chính sách BHYT; đồng thời, góp phần tuyên truyền về chính sách BHYT, giúp tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Chương trình “Hỗ trợ mua, tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo”
BHXH Việt Nam kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, từ thiện trong xã hội cùng chung tay đóng góp, hỗ trợ Chương trình. Mọi sự đóng góp về tiền bạc, vật chất đều là nguồn khích lệ, động viên to lớn để BHXH Việt Nam thực hiện Chương trình thêm sâu rộng, hỗ trợ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT, chung tay cùng BHYT chữa trị cho người bệnh.
Các cá nhân, tổ chức muốn đóng góp, hỗ trợ Chương trình, xin vui lòng liên hệ Trung tâm Truyền thông - BHXH Việt Nam (số 150 phố Vọng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) theo số điện thoại/email: 024.36285233/ tttruyenthong@vss.gov.vn; hoặc chuyên viên Phạm Văn Chính theo số điện thoại/email: 0979.531.785/chinhpv@vss.gov.vn.