Quy định về ký quỹ và bảo lãnh ngân hàng sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp nhưng giúp đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà |
Tuy nhiên, theo ông Đính, quy định này cũng sẽ tạo ra khá nhiều thủ tục phức tạp cho chủ dự án khi tiến hành ký kết hợp đồng bán sản phẩm, vì các quy định hiện hành của ngân hàng sẽ không dễ dàng cho phép làm thủ tục bảo lãnh cho khách hàng mua nhà, nếu như chủ dự án không có một tài sản khác đưa vào ngân hàng để làm vật đảm bảo. Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ phải trả ngân hàng một khoản phí bảo lãnh, nên giá thành nhà sẽ bị đẩy lên.
“Qua tìm hiểu từ thị trường người mua, có khách hàng đề xuất cho họ được lựa chọn phương án: hoặc có sự bảo lãnh của ngân hàng khi thực hiện các giao dịch bất động sản, hoặc không”, ông Đính cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu khí Toàn cầu tính toán, mức phí bảo lãnh mà các ngân hàng dự kiến thu sẽ là 1 - 2% tổng mức đầu tư dự án. “Nếu phải nộp khoản chi phí này, doanh nghiệp sẽ phải phân bổ vào giá bán dự án. Theo ước tính ban đầu, chi phí này sẽ đẩy giá bán căn hộ tăng thêm 400.000 - 600.000 đồng/m2. Như vậy, người mua nhà sẽ là đối tượng chính chịu ảnh hưởng của quy định mới này”, ông Hiệp phân tích.
Theo ông Hiệp, các ngân hàng cần cân nhắc kỹ mức phí bảo lãnh này và cũng cần phải đưa ra những mức phí linh hoạt, chứ đừng đánh đồng mức phí đối với tất cả các doanh nghiệp. Theo đó, với doanh nghiệp làm ăn có uy tín thì phí bảo lãnh nên để ở mức thấp; còn với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp uy tín thấp, thì mức phí sẽ cao hơn. Ngoài ra, ngân hàng cũng phải lắng nghe ý kiến của người mua nhà, bởi với những doanh nghiệp có uy tín, người mua nhà có thể không cần ngân hàng bảo lãnh.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành nhận định, quy định về ký quỹ và bảo lãnh ngân hàng sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp. Lý do là, trong kinh doanh bất động sản, đa số doanh nghiệp phải đi vay vốn ngân hàng. Khoản ký quỹ này khá lớn (dự kiến 1 - 2% tổng đầu tư dự án), nên doanh nghiệp sẽ bị “kẹt” một khoản vốn lớn mà không được tính lãi, trong khi họ phải trả lãi ngân hàng hàng tháng.
Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp xung quanh quy định về bảo lãnh giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, quy định này ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư với tiền mua nhà ứng trước của khách hàng. Trong trường hợp chủ đầu tư không thể bàn giao theo đúng cam kết, thì phía ngân hàng sẽ trả lại tiền gốc cho người dân. Đây là một trong yếu tố tạo niềm tin cho khách hàng và khách hàng không phải băn khoăn việc mình góp tiền cho chủ đầu tư.
“Quy định này giúp khách hàng, nhà đầu tư yên tâm quay trở lại thị trường bất động sản, giúp chủ đầu tư có tiền để triển khai dự án, kích thích thị trường phát triển, chứ không làm thị trường ‘ốm thêm’ như nhiều doanh nghiệp lo lắng”, ông Nguyễn Mạnh Hà nói.