Ngân hàng - Bảo hiểm
Báo lỗ liên tiếp, Eximbank quyết tâm minh bạch
Vân Linh - 08/04/2016 07:19
Giải thích về việc cổ phiếu EIB được HOSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 8/4, lãnh đạo Eximbank cho rằng, đó chỉ là vấn đề kỹ thuật và ngân hàng này vẫn chủ trương hoạt động minh bạch.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ông Lê Minh Quốc khẳng định, đây chỉ là hoạt động mang tính kỹ thuật của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đối với các tồn đọng trong quá khứ và điều này đã từng xảy ra với các doanh nghiệp niêm yết có lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm. Báo cáo tài chính của Eximbank tại thời điểm 31/12/2015 có khoản lỗ lũy kế là 817,5 tỷ đồng, nhưng đã phát sinh từ năm 2010 đến năm 2013 và đã được báo cáo trong Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 15/12/2015.

Ông Quốc cho biết, khoản lỗ trên đến từ việc Eximbank bán tài sản cố định là bất động sản cho Công ty cổ phần Bất động sản E Xim (Eximland) và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giai đoạn 2010 - 2013. Đây là ghi nhận chưa phù hợp quy định, nên Ngân hàng đã điều chỉnh hồi tố lợi nhuận chưa phân phối vào thời điểm ngày 31/12/2014, dẫn đến phát sinh khoản lỗ lũy kế này. Điều này khẳng định quyết tâm minh bạch của HĐQT mới.

.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, hoạt động của Eximbank trong năm 2015 thể hiện trạng thái ổn định, an toàn. Tổng tài sản của Ngân hàng năm 2015 là 124.850 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 61 tỷ đồng; các quỹ được trích lập từ lợi nhuận sau thuế có số dư tích lũy hơn 1.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,86% tổng dư nợ. Chỉ số an toàn vốn CAR là 17,03%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 48,79% và tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi là 78,65%.

Chủ tịch Eximbank cho rằng, lợi nhuận trước thuế ở mức 61 tỷ đồng cho thấy, HĐQT Ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng và xử lý tồn đọng theo các nguyên tắc minh bạch. Hiện mọi hoạt động giao dịch của Eximbank vẫn diễn ra bình thường với những tín hiệu lạc quan. Đến cuối quý I/2016, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 123.263 tỷ đồng; huy động vốn đạt 101.165 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm; lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước khi trích lập dự phòng rủi ro đạt 500 tỷ đồng.

Thực tế, trong 3 năm trở lại đây, lợi nhuận của Eximbank liên tục lao dốc và nguyên nhân chính là tăng trích dự phòng. Cụ thể, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng của Eximbank trong quý IV/2015 đạt 346 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế quý này lại âm 588 tỷ đồng, do Ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro lên tới 935 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2015, Eximbank ghi nhận 89 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và âm 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, kém xa so với kế hoạch 1.000 tỷ đồng đã đề ra.

Tại Eximbank, tỷ lệ nợ xấu năm 2015 đã được kiểm soát thấp, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 802 tỷ đồng, giảm 40% so với mức 1.343 tỷ đồng của năm 2014. Eximbank đang nắm giữ 5.251 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành với mệnh giá 6.230 tỷ đồng.

Với nỗ lực làm “sạch” nợ xấu trong năm qua, Eximbank đã bán khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và dự kiến bán thêm hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm nay. Vì thế, trước mắt, cổ đông Eximbank khó kỳ vọng lợi nhuận, vì Ngân hàng tập trung trích dự phòng rủi ro.

Theo tân Tổng giám đốc Eximbank, ông Lê Văn Quyết, người vừa được bổ nhiệm ngày 6/4, chủ trương và quyết tâm của HĐQT trong việc minh bạch là nhằm đưa Eximbank từng bước vào quỹ đạo mới. Tất nhiên, để có thể xử lý được những khó khăn, cần phải có thời gian, bởi quá trình tái cơ cấu cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết. Riêng vấn đề xử lý nợ xấu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như tình hình của nền kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác