Viễn thông - Công nghệ
Bảo mật vật bất ly thân của Tổng thống Obama
Tuấn Anh - 21/05/2016 07:54
Điện thoại thông minh đã trở thành vật không thể thiếu đối với nhiều người trong cuộc sống hàng ngày, thế nhưng khi là tổng thống của siêu cường số 1 thế giới, bạn không thể thích dùng điện thoại nào cũng được.

 

Điện thoại là vật “bất ly thân” của Tổng thống

Bảo mật tuyệt đối 

Đối với ông Barack Obama, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, một trong những người quyền lực nhất thế giới, an ninh có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với việc sở hữu một mật mã. Nó cũng nhằm bảo vệ chiếc điện thoại của ông khỏi các tin tặc, đặc biệt là cơ quan tình báo nước ngoài, những người muốn biết ông đang đọc gì, nói chuyện với ai, khi nào, điều gì và ở đâu.

Ông Obama đã dùng điện thoại BlackBerry trong ít nhất một thập kỷ, nhưng sau khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ năm 2008, ông đã phải từ bỏ nó để chuyển sang sử dụng điện thoại Sectera Edge có độ bảo mật cao do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tạo ra. Tuy nhiên, nó nhanh chóng được thay thế bởi một chiếc BlackBerry cải tiến với phần mềm bảo mật đặc biệt gọi là SecureVoice, được BlackBerry phát triển cùng với NSA.

Chiếc BlackBerry mới này được gỡ bỏ mọi tính năng bên trong mà một tin tặc có thể khai thác. Nó không có trò chơi và có khả năng không có camera “tự sướng” hay chức năng nhắn tin, nhưng lại được bổ sung những tính năng được mã hóa hàng đầu. 

Điện thoại này giới hạn các cuộc gọi cho khoảng 10 số, bởi vì nó phụ thuộc vào điện thoại của những người sử dụng cùng loại mã hóa. Những người này gồm Phó Tổng thống Joe Biden, Chánh văn phòng Tổng thống, một số cố vấn cấp cao, thư ký báo chí, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cùng một số thành viên khác trong gia đình. 

Các nguồn tin nói rằng, điện thoại BlackBerry của Tổng thống chỉ có thể kết nối với một bộ phát sóng duy nhất và được bảo mật tuyệt đối. Quy trình này giúp che giấu số IMEI của thiết bị, qua đó tránh được sự theo dõi. Điều này có nghĩa Cơ quan truyền thông Nhà Trắng sẽ phải mang theo bộ phát sóng này ở bất kỳ nơi nào Tổng thống Obama đến. Bên cạnh đó, thiết bị này cũng được tích hợp bên trong chiếc xe limousine của Tổng thống và chuyên cơ Air Force One (Không lực 1). Bộ phát sóng này được kết nối với đường truyền vệ tinh tối mật của Washington.  

Nhà Trắng chậm cập nhật công nghệ

Khi ông Obama tiết lộ trong chương trình truyền hình Jimmy Kimmel Live hồi tháng 3-2015 rằng ông vẫn sử dụng điện thoại BlackBerry, chỉ có một người duy nhất trong khán phòng vỗ tay. Vị Tổng thống đùa rằng, người ủng hộ BlackBerry duy nhất trong số khán giả chắc cỡ tuổi ông. Theo ông Obama, ông trung thành với BlackBerry, một phần bởi vì ông phải sử dụng điện thoại không có chức năng ghi âm.

Trong khi đó, các con gái ông sử dụng một loại smartphone khác. Nhưng ông Obama không ngờ rằng, tiết lộ của ông vô tình quảng cáo cho điện thoại này. “Bạn không thể lãnh đạo quốc gia hùng mạnh nhất thế giới nếu không có chiếc BlackBerry”, công ty của Canada viết trên blog khi biết ông Obama vẫn sử dụng BlackBerry. Công ty này được tạp chí Fortune hồi năm 2009 đánh giá là công ty phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng giá cổ phiếu và sự ưa chuộng điện thoại của hãng đã giảm mạnh trong những năm gần đây khi nhiều người đổ xô đi mua các điện thoại thân thiện hơn với người sử dụng như iPhone và các loại điện thoại thông minh khác sử dụng hệ điều hành Android. 

Bên cạnh các lý do an ninh đối với quyết định sử dụng mẫu điện thoại “lạc hậu” BlackBerry, Nhà Trắng cũng bị cho là chậm cập nhật các tiêu chí công nghệ hiện đại. Báo New York Times cho biết, các công nghệ tại Nhà Trắng từ lâu đã được giao cho 4 cơ quan chịu trách nhiệm, gồm Hội đồng An ninh quốc gia, Văn phòng Tổng thống, Cơ quan Mật vụ và Cơ quan truyền thông Nhà Trắng. Các cơ quan này có nhiệm vụ thiết lập mạng internet, máy tính, mạng điện thoại và mua các phần mềm cho Nhà Trắng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý, bởi vậy, ông Obama đã giải quyết vấn đề bằng cách cho ra đời Cơ quan Kỹ thuật số Mỹ vào năm 2015.

Tin liên quan
Tin khác