Viễn thông - Công nghệ
“Bão Temu” đổ bộ Việt Nam dù chưa đăng ký với cơ quan quản lý
Tú Ân - 25/10/2024 09:51
Ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu như cơn bão lớn đổ bộ Việt Nam khiến thị trường thương mại điện tử dậy sóng…
Tại Việt Nam, Temu chính thức kinh doanh từ cuối tháng 9/2024

Tân binh khuấy đảo thị trường

Vài ngày gần đây, trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, rộ lên các post mời gọi tham gia mở tài khoản, kinh doanh trên nền tảng Temu. Theo chương trình mà Temu công bố, nếu mời được một bạn bè, người dùng sẽ nhận ngay 150.000 đồng, mời càng nhiều nhận được càng nhiều. Với mỗi người mua hàng, người dùng sẽ kiếm được 10-30% tiền hoa hồng. Temu cũng tặng voucher 1,5 triệu đồng cho người mới đăng ký…

Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử như Shopee chia tối đa 50.000 đồng cho một đơn hàng thành công cho đối tác affiliate, Shopee trả thưởng tối đa 3,5% trên giá trị đơn hàng, số tiền tối đa trên mỗi đơn nhận được là 50.000 đồng. Có thể thấy, Temu đang áp dụng mức thưởng rất cao cho những người giới thiệu khách mới tải app, tham gia chương trình tiếp thị liên kết.

Bằng chiêu thức trên, Temu đang gây sóng tại thị tường Việt Nam. Đây là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới của PDD Holdings (Trung Quốc), tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo chuyên hàng giá rẻ. Nền tảng này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và đang bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nửa đầu năm 2024, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên sàn này đạt 20 tỷ USD, vượt năm 2023 là 18 tỷ USD.

Temu là nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ hai thế giới với 662,5 triệu lượt truy cập trung bình hàng tháng trong quý III/2024, đứng sau Amazon với 2,7 tỷ lượt truy cập. Tại Việt Nam, Temu chính thức kinh doanh từ cuối tháng 9/2024 và tung ra các chương trình khai trương giảm giá đến 90%, tặng các mã giảm thêm 70.000 đồng, 170.000 đồng và 250.000 đồng cho các đơn hàng có giá từ 750.000 đến 1,85 triệu đồng, tức là người mua được giảm thêm 7-13% nữa.

Hai đơn vị cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam cho Temu là Ninja Van và Best Express. Thời gian vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam là 4 - 7 ngày do lợi thế về khoảng cách địa lý và kết nối đường bộ.

Điểm trừ của Temu Việt Nam là giao diện khá đơn giản, chỉ hiển thị bằng tiếng Anh, trừ giá tiền bằng VND và chỉ chấp nhận thanh toán qua thẻ tín dụng và Google Pay. Điều này có thể gây trở ngại lớn cho người tiêu dùng Việt Nam, nhưng sẽ nhanh chóng được cải thiện khi ông lớn này hợp tác, hoặc mua lại một doanh nghiệp hay sàn thương mại điện tử Việt Nam.

Ứng xử thế nào với Temu?

Trên thế giới, tân binh Temu là đối thủ khó chơi của Amazone, Ebay, Alibaba… Còn tại Việt Nam, Temu là địch thủ khó chịu của những sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada..., với chiến lược đánh đúng vào tâm lý người dùng Việt Nam là thích mua hàng giá rẻ và hệ thống logistics mạnh có thể vận chuyển hàng nhanh chóng.

Nhận xét về “hiện tượng Temo”, bà Trâm Tạ, Founder Trâm Present cho rằng, Temu đang chiếm sóng mạng xã hội những ngày gần đây. Sắp tới, doanh nghiệp Việt đối diện với thách thức lớn khi Temu đốt tiền giành thị phần và người dùng tại thị trường Việt Nam. Theo đó, khách hàng sẽ hưởng lợi, vì được mua sản phẩm với giá rẻ hơn.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về thương mại điện tử

Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục rà soát pháp luật về thương mại điện tử, lưu ý bổ sung quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử qua biên giới đang có xu hướng ngày càng phổ biến và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận hành nền tảng công nghệ phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công phục vụ thương mại điện tử.

Ở một tác động khác, sâu và rộng hơn, Temu với chiến lược bán hàng giá rẻ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, trực tiếp nhất là hàng may mặc, gia dụng, tiêu dùng… Ông Trần Sơn, Tổng giám đốc Công ty Viking Việt Nam lý giải, Temu nói riêng và các nền tảng thương mại Trung Quốc bán hàng trực tiếp từ nhà máy tới tay người dùng, cắt đến hơn 50% khâu trung gian, tức giá bán ra sẽ rẻ hơn nhiều so với giá ở cửa hàng.

“Thị trường thương mại điện tử Việt Nam vốn khốc liệt sẽ càng khốc liệt. Cuộc chơi đang gia tăng độ khó và tính đào thải rất rõ. Các sàn thương mại điện tử trong nước, các nhà bán lẻ phải thay đổi mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc để thích nghi với cuộc chơi mới”, ông Sơn chia sẻ.

Temu đang gây lo ngại tại một số quốc gia trên thế giới. Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Temu phải công khai các biện pháp loại trừ hàng giả hoặc có thể gây nguy hiểm cho người dùng, theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu.

Hoa Kỳ đang tìm cách bịt “lỗ hổng de minimis”, điều khoản thương mại có từ năm 1930 cho phép các gói hàng có giá trị dưới 800 USD vào Hoa Kỳ với sự giám sát tương đối ít. Mục đích là ngăn chặn các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới bán hàng giá rẻ, kém chất lượng vào đất nước này.

Tại Việt Nam, các sàn bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công thương. Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Temu chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về việc lập sàn thương mại điện tử.

Tin liên quan
Tin khác