| ||
Cần thêm những ý kiến đóng góp cho các phương án bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên, Hà Nội |
Trước ba phương án xây dựng cầu đường sắt Long Biên cho tuyến metro số 1 mà Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch vừa chính thức bày tỏ quan điểm với Bộ GIao thông - Vận tải và UBND TP Hà Nội.
Cụ thể, đối với phương án một là xây dựng cầu mới tại tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về thượng lưu để bảo tồn, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch cho rằng, việc di chuyển di tích đến một địa điểm mới và bảo tồn theo hình thức bảo tàng sẽ không làm “sống” di tích. Bộ này bác bỏ phương án nói trên.
Với phương án xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, có kết cấu nhịp dàn thép như thiết kế năm 1902, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch khẳng định điều này sẽ làm biến mất hoàn toàn di tích – một biểu tượng của Hà Nội. Vì vậy Bộ cũng không đồng ý cách làm này.
Phương án xây cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cũ để bảo tồn mà Bộ Giao thông từng ưu tiên khuyến nghị nhận được nhiều thiện cảm nhất của ngành văn hóa vì theo Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch thì “điều này đã kết hợp được giữa bảo tồn và phát triển”. Dẫu vậy, Bộ này vẫn rất lo ngại khi nhấn mạnh “phương án này vẫn gây tác động làm biến dạng cầu Long Biên nên cần nghiên cứu lại”.
Bác bỏ cả ba phương án mà ngành giao thông đưa ra, ngành văn hóa du lịch đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, cùng Bộ Xây dựng, TP. Hà Nội, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo để lắng nghe thêm ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia về kiến trúc, xây dựng, bảo tồn để có những nhận định và kiến nghị chính xác hơn trên nguyên tắc đồng bộ hơn nữa giữa bảo tồn và phát triển.
Ngoài ra, theo Bộ này, TP. Hà Nội cũng cần khẩn trương lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp Quốc gia đối với cây cầu này; Lập phương án tu bổ, bảo tồn cầu hiện tại và đề xuất phương án xây cầu mới tách khỏi cây cầu hiện có, không làm ảnh hưởng cảnh quan cầu Long Biên hiện hữu.
Anh Minh