Doanh nghiệp
Bảo vệ hàng Việt như bảo vệ lãnh thổ kinh tế Việt
Khánh An - 13/10/2014 22:13
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tin rằng, làn sóng đổi mới thể chế đang mở đường cho làn sóng đầu tư kinh doanh thứ hai của cộng đồng doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch Hồ Chí Minh với doanh nhân Việt Nam
Doanh nhân Việt muốn có doanh nghiệp trăm năm tuổi
Tình yêu nước và made in Vietnam

Nhìn lại chặng đường 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam,  ông có thể chia sẻ điều gì?

   
  Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tin rằng, làn sóng đổi mới thể chế đang mở đường cho làn sóng đầu tư kinh doanh thứ hai  

10 năm qua, gói ghém, dồn nén gần như toàn bộ cung bậc của quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Đó là giai đoạn bừng nở, nhưng có phần dễ dãi, thiếu kinh nghiệm vào những năm 2000-2004, sau khi có Luật Doanh nghiệp; giai đoạn thăng hoa, nhiều khi thái quá vào thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Vài năm trở lại đây, là nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân sau một thời gian đầu tư quá mức vào khu vực tài chính, bất động sản, ít chú ý các yếu tố nền tảng về quản trị...

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những bất ổn về kinh tế vĩ mô trong nước khiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Các doanh nghiệp còn lại cũng rất khó khăn, có thời điểm 60 - 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi…

Nhưng, một cách tổng thể, phần lớn doanh nhân Việt vẫn trụ vững. Sự sàng lọc và thử thách của cuộc khủng hoảng đã giúp họ định vị lại mình, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chăm lo quản trị (đặc biệt là quản trị rủi ro), củng cố những nền tảng của phát triển… Qua sóng gió, doanh nhân Việt đã trầm lắng, cẩn trọng và trưởng thành hơn.

Nhiều người nói, đáng ra 10 năm này phải là 10 năm thăng chứ không thể trầm của doanh nhân Việt?

Nhưng chính các cung bậc này đã tạo nên một cộng đồng doanh nhân trưởng thành hơn. Điều đáng nói là, bài học này không chỉ dành cho doanh nhân, mà cả những người đang muốn trở thành doanh nhân. Họ đã nhìn thấy cơ hội của cách làm ăn bài bản và đường cùng của cung cách chụp giật.

Tôi tin rằng, 10 năm tới của cộng đồng doanh nhân sẽ là giai đoạn lớn mạnh thực sự và thực chất.

Điều gì khiến ông tin vào tương lai xán lạn đó?

Chúng tôi nhìn thấy sự yểm trợ của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của xã hội cho những nỗ lực của doanh nhân.

Chính phủ đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và đang khởi động bước đột phá thể chế lần thứ hai kể từ khi Đổi mới. Các dự thảo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trình Quốc hội được chuẩn bị với tinh thần đặt niềm tin vào doanh nghiệp - bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân,  thực hiện nguyên tắc hiến định: Doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Nghị quyết 15 của Chính phủ đặt ra nhiệm vụ tăng tốc quá trình cổ phần hóa và đổi mới doanh nghiệp nhà nước đặt các doanh nghiệp vào kỷ luật của thị trường; Nghị quyết 19 của Chính phủ nêu yêu cầu cải cách hành chính đạt tới chuẩn mực tiên tiến của các nước ASEAN, đáp ứng sự hài lòng của doanh nghiệp…

Tôi tin là, làn sóng đổi mới thể chế đang mở đường cho làn sóng đầu tư kinh doanh thứ hai của doanh nghiệp: Không ồn ào, nhưng bền vững, căn cơ, thế chân cho cách thức làm ăn bằng quan hệ, theo cơ chế xin - cho lâu nay…

Với nhân vật chính - các doanh nghiệp, doanh nhân thì sao, thưa ông?

Với doanh nghiệp, chìa khóa để bứt phá là một cộng đồng mạnh.

10 năm trước, từng doanh nghiệp, doanh nhân đã nỗ lực và đã được ghi nhận. Nhưng thời điểm hội nhập sâu rộng với đòi hỏi mới về chuỗi sản xuất toàn cần đang cần sức mạnh của sự gắn kết. Đây là thời điểm tốt để doanh nghiệp, doanh nhân hóa giải điểm yếu của mình. Mấy năm gần đây, VCCI đã liên kết được 15 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào VBF. Các hiệp hội doanh nghiệp, nghề, tỉnh, thành phố cũng đã tham gia Hội đồng Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam. Mới đây, chúng tôi đã cùng ký Chương trình hành động góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập.

Với các doanh nhân, động lực cho sự phát triển mới cũng là liên kết và ý thức trách nhiệm với đất nước, với sự phát triển của dân tộc. Các doanh nhân đã bắt đầu nói đến những sản phẩm made in Vietnam với niềm tự hào. Có thể là những linh kiện nhỏ nhưng made in Vietnam đến những sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh, nhưng cũng có thể là những sản phẩm hàng tiêu dùng, thực phẩm...

Nghĩa là bắt đầu câu chuyện thần kỳ của Made in Vietnam trên thị trường thế giới?

Không còn là thần kỳ nếu từng doanh nhân nghĩ và hành động vì những sản phẩm Made in Vietnam, thay vì những cam kết hay những lời kêu gọi… Chúng tôi muốn, không chỉ người Việt dùng hàng Việt, mà cả thế giới dùng hàng Việt, tin tưởng vào thương hiệu Made in Vietnam. Chúng ta xây dựng và bảo vệ uy tín của hàng Việt Nam như là bảo vệ từng bộ phận của lãnh thổ kinh tế Việt Nam...

Đó là trách nhiệm, là tinh thần dân tộc của doanh nhân Việt, chứ không chỉ là quyền lợi khi các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam.

Cũng phải nói thêm, trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, mỗi khi tinh thần dân tộc trỗi dậy là mỗi lần sức mạnh cộng đồng được thúc đẩy, phát huy.

Tin liên quan
Tin khác