Giai đoạn 1 của Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất Sản phẩm sinh học được xây dựng trên diện tích 3.840 m2. Giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục mở rộng thêm 5.760 m2, nâng tổng diện tích lên 9.600 m2. Trung tâm này sẽ hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ Khoa học Nông nghiệp – Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) trong nghiên cứu và sản xuất chế phẩm sinh học.
AGPPS còn giữ vai trò là cầu nối đưa ra thị trường các thành quả nghiên cứu tại Trung tâm và hướng dẫn nông dân áp dụng vào sản xuất |
AGPPS còn giữ vai trò là cầu nối đưa ra thị trường các thành quả nghiên cứu tại Trung tâm, hướng dẫn nông dân áp dụng vào sản xuất trên đồng ruộng thông qua đội ngũ hơn 3.000 người kỹ sư, lực lượng "3 cùng" của Công ty .
Ngay sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm này sẽ bắt tay nghiên cứu, sản xuất sản phẩm Trichoderma sử dụng trên lúa, rau màu, cây ăn trái và cây công nghiệp; Sản xuất các chế phẩm phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng và thuốc trừ sâu sinh học; Bên cạnh đó, AGPPS cũng sẽ sản xuất các sản phẩm phân hữu cơ sinh học.
Dịp này, AGPPS cũng đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viện Bảo vệ thực vật (trực thuộc Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).Theo đó, hai bên sẽ cùng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao sản phẩm, quy trình công nghệ. Viện Bảo vệ thực vật là đơn vị nghiên cứu tạo ra những sản phẩm ứng dụng trong nông nghiệp. Sau khi có đầy đủ các kết quả khảo nghiệm đồng ruộng đạt hiệu quả, Viện Bảo vệ thực vật sẽ chuyển giao sản phẩm, quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm cho Công ty Cổ phần Bảo vệ An Giang sản xuất và phân phối theo nhu cầu thị trường. Hơn nữa, hai bên sẽ cùng nhau hợp tác, nghiên cứu tìm ra những sản phẩm mới theo đặt hàng của phía AGPPS.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Anh hùng lao động, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc AGPPS chia sẻ: “Theo kết quả điều tra thị trường mà AGPPS thực hiện tại các địa bàn trọng điểm của 7 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và Miền Đông Nam Bộ, 78% nông dân có nhu cầu sử dụng sản phẩm sinh học trong thời gian sắp tới. Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Sản phẩm Sinh học sẽ giúp AGPPS đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có nguồn gốc bản địa, thương mại tạo ra đa dạng sản phẩm sinh học đạt chất lượng cao, ổn định, góp phẩn giảm thiểu ô nhiểm môi trường và an toàn thực phẩm”.
Hiện nay, sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam đang đi vào mức độ thâm canh cao, với việc sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và hàng loạt các biện pháp thâm canh, tăng vụ làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái trong đất, hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng cao, nguồn bệnh tích lũy trong đất càng nhiều dẫn đến phát sinh một số dịch hại không dự báo trước và càng ngày càng khó kiểm soát.
Quay trở lại nền nông nghiệp hữu cơ với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng đang là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam sẽ không ngoại lệ. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học sẽ góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu an toàn, vệ sinh và chất lượng cho lương thực, thực phẩm.
Với việc khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Sản phẩm Sinh học cùng sự hợp tác với Viện Bảo vệ thực vật và Đại học Cần Thơ, AGPPS đang là một trong những đơn vị tiên phong thúc đẩy hữu cơ hóa nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Phú Khởi