Bài 4: Đổ tiền đầu tư như… nước, Hà Nội, TP.HCM vẫn ngập
Không chỉ các đô thị nhỏ, mà ngay cả những đại đô thị, đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP.HCM cũng bị ngập nặng sau mỗi trận mưa. Dù chính quyền các thành phố này đã chi hàng ngàn tỷ đồng ngân sách và kêu gọi xã hội hóa để chống ngập, nhưng hiệu quả chưa như mong đợi.
Hà Nội phố biến thành sông
Thời gian gần đây, sau mỗi trận mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến phố ở Hà Nội lại chìm trong biển nước. Chỉ tính riêng 3 trận mưa vào cuối tháng 5 và ngày 13/6/2022, Hà Nội xuất hiện đến hơn 100 điểm ngập, khiến giao thông hỗn loạn. Tại khu vực phía Tây như Đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn, Mỹ Đình, Dương Đình Nghệ... phố biến thành sông, các phương tiện bì bõm trong nước.
Một số khu dân cư nhiều giờ sau mưa vẫn không thoát hết nước. Nhiều nơi nước mưa tràn vào hầm chung cư, làm hỏng ô tô gây thiệt hại lớn, đảo lộn cuộc sống của người dân.
Trong trận ngập hôm 29/5/2022, anh Dương Đình Dinh (quận Thanh Xuân) bất lực nhìn chiếc ô tô của mình nằm chết máy giữa biển nước ngập trên đường Nguyễn Xiển. “Tôi đi vào con đường này khoảng 10 phút thì bị ngập sâu, đành phải ngồi chờ xe cứu hộ đến cẩu ô tô”, anh Dinh thở dài.
Hà Nội xuất hiện hơn 100 điểm ngập sau trận mưa ngày 13/6/2022. Ảnh: T.L |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, từ năm 2005 đến tháng 6/2022, UBND TP. Hà Nội đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư các dự án thoát nước. Trong đó có 3 dự án “khủng” đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016. Nhưng từ khi hoàn thành đến nay, dự án này vẫn chưa phát huy tác dụng như kỳ vọng.
Còn Dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía Tây Hà Nội (khoảng 6.300 ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh thuộc các quận/huyện gồm Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức) triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng và Dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giúp giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận) với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, vẫn chưa biết ngày về đích.
Trong khi đó, Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), dù dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020, nhưng đến nay vẫn loay hoay công tác giải phóng mặt bằng. Vị trí dự kiến xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc vẫn là bãi đất trống, cỏ dại mọc um tùm.
Riêng kênh La Khê, thuộc Dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía Tây Hà Nội thì vướng công tác giải phóng mặt bằng do người dân chưa đồng thuận đơn giá bồi thường.
Còn Dự án Trạm bơm Liên Mạc được lập năm 2013 và đầu tư theo hình thức BT, song sau đó hình thức đầu tư BT bị dừng, nên chủ đầu tư và Thành phố đang tìm nguồn vốn thay thế.
Ngày 8/7/2022, vấn nạn ngập nước đã “đốt nóng” kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội. Đại biểu Trần Hợp Dũng bức xúc: “Hà Nội có nhiều trận mưa gây úng ngập cục bộ, trong khi Trạm bơm Yên Nghĩa chậm thực hiện 10 năm qua. Đây có phải nguyên nhân gây úng ngập cho khu vực phía Tây của thành phố, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?”.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội giải thích, việc ngập úng của Hà Nội một phần do Trạm bơm Yên Nghĩa, nhưng không phải nguyên nhân chính, mà còn do 3 trạm bơm Liên Mạc, Yên Thái, Đào Nguyên chưa được xây dựng. Vì thế, việc giải quyết úng ngập mới đạt khoảng 40 - 50%.
Ngập nước triền miên ở một số tuyến đường tại TP.HCM khi xảy ra mưa lớn Ảnh: T.L |
TP.HCM vẫn loay hoay xóa ngập
Còn tại TP.HCM, trong giai đoạn từ năm 2008 đến tháng 5/2022, đã giảm từ 126 tuyến đường thường xuyên ngập nước, còn 19 tuyến đường ngập do mưa, mưa kết hợp triều cường.
Tính đến tháng 6/2022, 15 tuyến đường trên địa bàn Thành phố còn xảy ra ngập do mưa gồm Nguyễn Hữu Cảnh, Bàu Cát, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối, Đặng Thì Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc lộ 1A (TP. Thủ Đức), Phan Anh, Hồ Học Lãm; 4 tuyến đường ngập do mưa kết hợp triều cường gồm Nguyễn Văn Hưởng, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương và Trần Xuân Soạn.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đã triển khai 7 dự án nhằm giải quyết tình hình ngập, cải thiện môi trường gồm: Dự án giải quyết ngập cho triều cường khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I); Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An quan sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn); Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TP.HCM (lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên); Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu lưu vực Tây Sài Gòn; Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, quận Bình Thạnh và Gò Vấp); Dự án Cải tạo kênh Hy Vọng; Dự án Cải tạo các trục tiêu thoát nước chính (cải tạo rạch Văn Thánh, Xóm Củi, Bà Lớn, Thủ Đào, Thầy Tiêu, Ông Bé).
Đối với các dự án giải quyết 15 tuyến đường trục chính bị ngập, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đã và đang tập trung nguồn lực hoàn thành.
Ngoài ra, TP.HCM cũng triển khai thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước và nạo vét kênh rạch giai đoạn 2021 - 2025, với tổng chiều dài hệ thống thoát nước được bổ sung khoảng 96 km và chiều dài kênh rạch được cải tạo khoảng 5 km.
Dù vậy, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, từ đầu năm 2022 đến ngày 12/5/2022, tại TP.HCM xuất hiện 36 trận mưa. Trong đó, 2 trận mưa vũ lượng trên 50 mm và 1 trận mưa với vũ lượng trên 100 mm, gây ngập trong mưa, thời gian nước rút khoảng 30 phút.
“Cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn, kết hợp địa hình trũng thấp cục bộ, trong khi hệ thống cống hiện hữu thiếu đồng bộ do đầu tư qua nhiều giai đoạn, làm giảm tốc độ dòng chảy từ thượng lưu đến hạ lưu là nguyên nhân gây ngập”, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật lý giải.
Cũng từ đầu năm đến nay, đỉnh triều cao nhất vào ngày 5/1/2022 đo tại trạm đo Phú An là +1.65 m. Khi đỉnh triều xuất hiện, các tuyến đường bị ngập do triều chạy song song với các nhánh sông, rạch, triều dâng cao tràn qua bó vỉa, xâm nhập lên mặt đường gây ngập.
Đặc biệt, các tuyến đường có hệ thống thoát nước đầu tư đã lâu, một số vị trí bị xuống cấp, các tuyến đường có cao trình trũng thấp bị ngập nặng nhất.
Hiện TP.HCM đang triển khai Đồ án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán giảm ngập. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch dự án dựa trên phạm vi lãnh thổ xác định trong Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, bao gồm 23 quận, huyện (trừ khu vực huyện Cần Giờ).
Dự kiến, quy hoạch này sẽ có 104 vị trí hồ điều tiết, nhưng trước mắt xây dựng 3 hồ điều tiết là Gò Dưa, rộng 23 ha (quận Thủ Đức, nay là TP. Thủ Đức); Bài Cát, rộng 0,4 ha (quận Tân Bình) và Khánh Hội, rộng 4,8 ha (quận 4) từ nguồn xã hội hóa, ngân sách thành phố và ngân sách Trung ương cấp bổ sung từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2015 - 2020.
“Sau khi có quy hoạch điều chỉnh sẽ tiến hành đầu tư xây dựng các hồ điều tiết bằng các hình thức từ ngân sách hoặc đối tác công - tư (PPP)”, Sở Xây dựng TP.HCM cho hay.
Trong thời gian chờ triển khai các hồ điều tiết này, được sự chấp thuận của UBND TP.HCM, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (nay là Trung tâm Hạ tầng) đã phối hợp cùng Công ty Sekisui xây dựng phương án, kế hoạch và triển khai ngoài hiện trường xây dựng thí điểm hồ điều tiết ngầm bằng sản phẩm “Cross-wave” tại vị trí trước Nhà thiếu thi Thủ Đức. Chương trình này đã bước đầu phát huy hiệu quả chống ngập cho khu vực. Dù vậy, sau hơn 10 năm nỗ lực với nhiều giải pháp khác nhau, TP.HCM vẫn không thể xóa được triệt để tình trạng úng ngập.
(Còn tiếp)