Tốc độ thu thập dữ liệu sinh trắc học của các ngân hàng tăng lên nhanh chóng trong vài tháng qua |
Ngân hàng tăng tốc thu thập dữ liệu, kết nối hệ thống xác thực với Bộ Công an
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Khắc Trung, Trưởng ban Ngân hàng số của Ngân hàng Agribank cho hay, để đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại phải song song thực hiện hai nhiệm vụ: tích cực xây dựng kho dữ liệu sinh trắc học về khách hàng của mình; hệ thống kết nối phải sẵn sàng để có thể kết nối ngay với kho dữ liệu của Bộ Công an khi cần thiết.
“Thời gian qua, Agribank tích cực thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng. Ngoài ra, ngay trong tháng 6/2024, toàn bộ hệ thống xác thực kết nối trực tuyến với Bộ Công an cũng sẽ được Agribank đưa vào vận hành, các ứng dụng (app) xác thực cũng đã được hoàn thiện. Agribank đã sẵn sàng để áp dụng quy định mới từ tháng 7/2024”, ông Trung cho biết.
Dù chưa phải 100% khách hàng đã cung cấp dữ liệu sinh trắc học cho ngân hàng, nhưng theo ông Trung, từ ngày 1/7, khi áp dụng quy định mới, ngay cả khách hàng chưa cung cấp dữ liệu sinh trắc học cũng không cần lo lắng, bởi quy trình hoàn thiện thủ tục chỉ mất vài giây, không ảnh hưởng đến quá trình trải nghiệm giao dịch số của khách hàng, cũng như không làm gián đoạn cung cấp dịch vụ của ngân hàng.
Theo NHNN, lượng giao dịch trong ngày có giá trị dưới 10 triệu đồng (không cần xác thực khuôn mặt) chiếm khoảng 70%. Số giao dịch trong ngày trên 10 triệu đồng chiếm khoảng 11,3% số lượng giao dịch và khoảng 11,64% số tài khoản. Số tài khoản có tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng chiếm tỷ lệ nhỏ, dưới 1%. Như vậy, lượng giao dịch buộc phải áp dụng xác thực khuôn mặt chiếm tỷ lệ chưa cao.
Hiện cả nước có khoảng 87 triệu căn cước công dân gắn chip, tức là hầu hết khách hàng của các ngân hàng đã có căn cước công dân gắn chip. Do đó, việc xác thực sinh trắc học sẽ không gặp khó khăn gì.
Theo thông tin của các ngân hàng, vài tháng qua, tốc độ thu thập dữ liệu sinh trắc học của các ngân hàng tăng lên nhanh chóng. Tại các ngân hàng nhỏ, trung bình mỗi ngày có 10.000 - 20.000 mẫu khuôn mặt và căn cước công dân được cập nhật vào kho dữ liệu của ngân hàng. Tại các ngân hàng lớn, con số lên tới khoảng 200.000 - 300.000 mẫu/ngày.
- Ông Nguyễn Khắc Trung, Trưởng ban Ngân hàng số của Agribank
Đặc thù của Agribank là có nhiều khách hàng ở địa bàn nông thôn. Do đó, thời gian đầu áp dụng quy định mới, có thể một số khách hàng sẽ bỡ ngỡ. Chúng tôi sẽ kết hợp hướng dẫn cả trực tiếp và trực tuyến để hỗ trợ, giúp người dân hiểu và đồng hành cùng ngân hàng trong thực hiện quy định mới. Mục đích cuối cùng của quy định này là hướng tới sự an toàn của khách hàng.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VietinBank cho biết, từ đầu tháng 6/2024, VietinBank sẽ nhắc nhở khách hàng (đặc biệt là nhóm khách hàng thường xuyên chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc khách hàng chưa cập nhật căn cước công dân gắn chip) để khách hàng biết và sớm xác thực.
Một số ngân hàng còn áp dụng xác thực khuôn mặt sớm hơn quy định, nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện sớm quy định, như trường hợp TPBank. “Việc triển khai sớm xác thực giao dịch bằng sinh trắc học từ trước cả thời điểm quy định mới có hiệu lực không chỉ sớm tăng cường bảo mật, mà còn giúp khách hàng chủ động thời gian đăng ký, tránh tình trạng quá tải đăng ký nhận diện trước ngày 1/7”, đại diện TPBank cho biết.
Ngoài ra, với nhóm khách hàng nước ngoài (không có căn cước công dân gắn chip), các ngân hàng cũng đang tích cực thu thập dữ liệu sinh trắc học theo quy định mới của NHNN.
Thêm công cụ bảo vệ túi tiền của chủ tài khoản
Theo đại diện các ngân hàng, với đa phần khách hàng thường xuyên chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, việc xác thực khuôn mặt đã được tiến hành và nếu chưa xác thực thì quy trình cũng đơn giản, dễ thực hiện. Quy định này cũng gây lúng túng, phiền hà cho một số khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lớn tuổi, không thành thạo về công nghệ, hoặc khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy vậy, đây là giải pháp mang lại lợi ích cho chính khách hàng, vì vậy các ngân hàng khuyến cáo khách hàng nên dành thời gian để tuân thủ, tự bảo vệ chính mình.
Hiện lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng đang trở thành vấn đề nhức nhối. Riêng quý I/2024, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tiếp nhận hơn 4.100 phản ánh liên quan đến lừa đảo trực tuyến. 60% người truy cập bị lừa đảo khi sử dụng thiết bị di động. Việc áp dụng quy định xác thực khuôn mặt từ ngày 1/7/2024 là một trong những giải pháp để ngăn chặn lừa đảo.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc NHNN cho hay, quy định trên sẽ đảm khuôn mặt của người giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu hoặc con chip điện tử do Bộ Công an cấp. “Mục đích của quy định là bảo vệ chủ tài khoản, phòng ngừa việc thuê, mượn tài khoản. Kẻ gian ăn cắp thông tin khi cài ứng dụng vào thiết bị khác cũng phải xác định sinh trắc học lại, yêu cầu người sử dụng phải là chính chủ. Nói cách khác, các tài khoản không chính chủ được mở bằng những giấy tờ giả trước đây sẽ được loại bỏ dần”, ông Dũng nói.
Hiện tội phạm công nghệ cao sử dụng nhiều hình thức tinh vi để chiếm đoạt tài khoản khách hàng. Dòng tiền lừa đảo này được chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản khác nhau, chủ yếu là qua các tài khoản thuê mượn, không chính danh. Việc áp dụng xác thực khuôn mặt trong giao dịch trực tuyến sẽ khiến tình trạng trên giảm mạnh, qua đó góp phần ngăn chặn lừa đảo.