Đầu tư và cuộc sống
Bất chấp lệnh cấm, dạy thêm, học thêm vẫn nở rộ
D.Ngân - 03/11/2022 15:31
Bất chấp lệnh cấm, dạy thêm, học thêm vẫn nở rộ tại nhiều cơ sở giáo dục với muôn hình vạn trạng.

Câu chuyện dạy thêm, học thêm đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Hiện nay, việc học thêm, dạy thêm diễn ra tràn lan, sôi động từ nông thôn đến thành thị. 

Chương trình Giáo dục phổ thông mới đang được áp dụng tại các cấp học được dư luận kỳ vọng sẽ giảm tải, giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng học thêm vẫn phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. 

Bất chấp lệnh cấm, dạy thêm, học thêm vẫn đang nở rộ tại nhiều cơ sở giáo dục với muôn hình vạn trạng.

Về phía cơ quan quản lý, theo PSG.TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã có Thông tư 17 quy định rất rõ về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

Theo đó, Bộ đã có quy định đó là không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa, tránh chuyện giáo viên đứng lớp dạy thêm chính học sinh lớp mình. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng giáo viên dạy sâu hơn một phần nội dung, kiến thức theo kế hoạch giáo dục của nhà trường trong lớp học thêm. Khi đó, những em không học thêm lo lắng việc không được đảm bảo quyền lợi.

Cũng theo ông Thành, hiện nay, việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận phụ huynh học sinh muốn trang bị thêm kiến thức, kỹ năng là nhu cầu chính đáng nên việc dạy thêm, học thêm là yêu cầu khách quan của cuộc sống. 

Tuy nhiên, Bộ cũng có quy định các trường hợp không được dạy thêm. Cụ thể, các trường hợp đó gồm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống).

Về dạy thêm học thêm trong nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải tuân thủ các quy định. Cụ thể, học sinh có nguyện vọng phải viết đơn, cha mẹ ký. 

"Nhà trường sau đó tổ chức phân nhóm học sinh theo năng lực, không dạy cào bằng và phân công giáo viên phụ trách môn học dạy thêm theo đúng nhóm năng lực học sinh", ông Thành nói.

Theo báo cáo phân tích Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 mới đây của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO cho thấy, trung bình gia đình học sinh đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh đi học và có xu hướng tăng dần theo cấp học, trong đó chi phí học thêm là khoản lớn nhất.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra bất cập hiện nay là phí học thêm cao hơn rất nhiều lần so với học phí.

Còn theo GS.TSKH. Nguyễn Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, nên dẹp bỏ nạn dạy thêm học thêm để trẻ có thời gian vui chơi. 

Chỉ nên khuyến khích việc dạy thêm, phụ đạo cho những học sinh yếu kém, để các em bắt kịp với các bạn trong lớp. Trường hợp học sinh muốn học thêm để nâng cao năng lực, có thể khuyến khích tinh thần tham học hỏi ở các em, song phụ huynh cũng không nên để con học thêm quá nhiều gây quá tải, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ.

Tin liên quan
Tin khác