Đầu tư
Bắt đầu điều chuyển vốn đầu tư công ngay từ tháng 8
Hà Nguyễn - 16/07/2020 13:55
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, sẽ bắt đầu thực hiện điều chuyển vốn đầu tư giữa các bộ ngành, địa phương ngay từ tháng 8, thay vì tháng 9 như kế hoạch trước đây.
.

Thực hiện giải pháp nào để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, khắc phục tình trạng trì trệ hiện nay là câu hỏi lớn nhất được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sáng ngày 16/7.

“Tình hình, nguyên nhân, giải pháp chúng ta đã nói nhiều và có nhiều, cái quan trọng bây giờ là thực hiện thế nào. Liên quan đến thực hiện, thì trách nhiệm lớn nhất thuộc chủ đầu tư, các bộ ngành, địa phương”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy.

Theo Bộ trưởng, ngoài giải pháp chung của Chính phủ, thì các bộ ngành, địa phương cũng phải có giải pháp riêng. “Thể chế, chính sách đã có hết rồi, cái nào vướng mắc cũng đã và đang được tháo gỡ. Vì thế, quan trọng là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải đeo bám từng dự án, để có vướng mắc gì thì giải quyết ngay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho rằng, tới đây, các địa phương phải quyết liệt hơn trong giải nhân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị Chính phủ thực hiện việc điều chuyển vốn giữa các bộ ngành, địa phương sớm hơn, ngay từ tháng 7, tháng 8 chứ không phải sang tháng 9 như dự kiến trước đó.

“Cái này là điều chuyển vốn giữa các bộ ngành, địa phương giải ngân kém sang bộ ngành, địa phương giải ngân tốt. Còn việc điều chuyển trong nội bộ bộ ngành, địa phương thì đã được thực hiện từ trước đó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.

Tuy nhiên, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã “quyết” ngay, việc điều chuyển vốn này sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 8 tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất việc điều chuyển vốn này.

Cũng liên quan đến các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi đây là “cứu cánh” để nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19. 

“Phải hiểu rằng, giải ngân vốn đầu tư công không chỉ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng triệu người dân. Hiểu như thế để có quyết tâm chính trị cao hơn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

“Lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND các địa phương phải triển khai đến nơi đến chốn, không quyết liệt thị không giải quyết được vấn đề”. Nói như vậy, Thủ tướng cũng cho biết, năm nay, chúng ta phải giải ngân hết trên 630.000 tỷ đồng, tương đương 28 tỷ USD, trong đó vốn phân giao về địa phương là 80%.

“Đến thời điểm này, nếu có bộ ngành, địa phương nào còn chưa phân giao vốn thì điều chuyển cho nơi khác”, Thủ tướng cương quyết.

Nhấn mạnh các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương phải tổ chức phong trào thi đua yêu nước liên quan đến vấn đề này, đồng thời có chương trình hành động cụ thể để giải ngân hết vốn đầu tư theo kế hoạch được giao.

Bày tỏ sự vui mừng khi một số bộ ngành, địa phương giải ngân tốt và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, như Tiền Giang không chỉ quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch mà còn cam kết đưa công trình trọng điểm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông xe vào cuối năm nay, hay Đồng Nai cũng cam kết tập trung giải phóng mặt bằng cho Sân bay Long Thành, Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương phải quyết tâm khắc phục tồn tại, hạn chế, năng động, sáng tạo có giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, bao gồm cả vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài…

Thủ tướng chỉ đạo, phải công khai, minh bạch phê bình các bộ ngành, địa phương làm chưa tốt, đồng thời biểu dương các đơn vị giải ngân tốt. Đồng thời, đánh giá đúng cán bộ, kiên quyết xử lý các cá nhân còn thiếu trách nhiệm trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo khẳng định của Thủ tướng, Chủ tịch tỉnh phải nắm rõ, chỗ nào còn khúc mắc, phải giải tỏa; đồng thời hỗ trợ các huyện, xã trong giải phóng mặt bằng, sẵn sàng đứng ra giải thích cho dân hiểu, dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng. 

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã “tha thiết” đề nghị các địa phương hỗ trợ khâu giải phóng mặt bằng, bởi với ngành giao thông, không có mặt bằng thì không làm được gì cả.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng cũng khẳng định, phải tiếp tục phân cấp, phân quyền, không để tình trạng hồ sơ bị “ngâm” quá lâu.

“Chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng cơ bản cũng rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác