Đầu tư
Bật đèn xanh cho Thiên Minh lập hãng hàng không Cánh Diều
Anh Minh - 10/11/2019 10:46
Dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh đã nhận được những tín hiệu thuận từ cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư với một số chỉnh sửa, bổ sung trong hồ sơ.

Đồng thuận

Sau 2 tháng thẩm định, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho ý kiến về Hồ sơ Dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh.

Theo đó, Bộ GTVT đánh giá, dự án này đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư với một số chỉnh sửa, bổ sung trong hồ sơ.

Tại Công văn số 10376/BGTVT-VT, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, hãng hàng không này dự kiến đưa vào khai thác 6 tàu bay ATR-72 vào năm 2020 là có thể chấp thuận, đáp ứng nhu cầu thị trường đến một số cảng hàng không hiện chưa thể khai thác bằng các loại tàu bay phản lực từ A320/321 và tương đương trở lên. Tuy nhiên, đến năm 2025, việc Cánh Diều dự kiến khai thác 30 tàu bay, bao gồm 15 tàu bay ATR-72 và 15 tàu bay A321, là điều cần phải được xem xét về khía cạnh tính hiệu quả của đội tàu bay ATR-72 và năng lực, nguồn lực để khai thác đội tàu bay với quy mô 30 chiếc.

“Theo quy luật của thị trường, việc có thêm các hãng hàng không mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng hàng không hiện hữu ở các khía cạnh khác nhau. Mặc dù vậy, các dự án Vietravel, Vinpearl Air và Cánh Diều (nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đồng ý) sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vai trò “lực lượng vận tải hàng không nòng cốt” của Vietnam Airlines”.

Ông Đinh Việt Thắng,Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

“Công ty Thiên Minh nên xây dựng quy mô khai thác đội tàu bay vào năm 2025 chỉ 20 - 25 chiếc”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Công ty Thiên Minh nghiên cứu, xây dựng lại mạng đường bay dự kiến phù hợp với hiện trạng hạ tầng cảng hàng không và kế hoạch mở rộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng các cảng hàng không dự kiến khai thác, đặc biệt lưu ý về vị trí đỗ tàu bay qua đêm.

“Cục Hàng không Việt Nam không đảm bảo việc cấp phép khai thác đi/đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho giai đoạn từ năm 2020 cho đến khi nhà ga hành khách số 3 mới của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác”, ông Tuấn thông tin.

Theo nội dung của Dự án, Công ty Thiên Minh lựa chọn Cảng hàng không Chu Lai làm sân bay căn cứ và đỗ qua đêm tại 3 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Một điểm gợn lớn nữa trong hồ sơ của Cánh Diều được Bộ GTVT nhận diện liên quan đến dòng tiền triển khai Dự án. Theo hồ sơ xin ý kiến, tổng vốn Dự án là 1.000 tỷ đồng và dự kiến trong 3 năm đầu khai thác lỗ lũy kế hơn 350 tỷ đồng. Như vậy, vốn của Công ty Thiên Minh không đáp ứng quy định về vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa với đội bay đến 30 chiếc là 1.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP.

Rộng cánh bay

Trước đó, vào cuối tháng 8/2019, Bộ GTVT nhận được công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam về việc đề nghị thẩm định dự án Cánh Diều của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh. Đây là một trong những thủ tục quan trọng để Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bước 2 và trình Thủ tướng phê duyệt.

Khác với một số hãng hàng không đang gặp khó khăn trong xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hoặc mở rộng quy mô đội bay do không thu xếp ổn thỏa bài toán nguồn nhân lực, Cánh Diều được đánh giá là có tính toán nguồn nhân lực dự kiến đảm bảo khai thác đội tàu bay trên cơ sở kế hoạch phát triển đội bay hàng năm và xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với mô hình hoạt động, quy mô đội tàu bay theo từng giai đoạn cụ thể.

Để đảm bảo có đủ nhân lực 294 người trong năm đầu tiên và đến năm khai thác thứ 5, số nhân sự là 1.311 người, Công ty Thiên Minh dự kiến thuê phi công nước ngoài là chủ yếu trong giai đoạn đầu và nguồn nhân lực này được cung cấp bởi Công ty CAE Parc Aviation (Ireland). Trong giai đoạn tiếp theo, sẽ thực hiện việc tuyển dụng, đào tạo phi công trên cơ sở hợp tác với Công ty CAE Parc Aviation và Công ty Bay Việt. Đội ngũ tiếp viên, thợ kỹ thuật sẽ được Công ty tuyển dụng và đào tạo trong nước và ngoài nước.

Với quy mô khai thác và kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực, kế hoạch đào tạo và phương án đảm bảo khai thác, bảo dưỡng như báo cáo, Công ty có thể tự đáp ứng được nguồn nhân lực, chứ không giành giật, lôi kéo phi công, đặc biệt là phi công của Vietnam Airlines.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong những năm vừa qua, Vietnam Airlines đã giảm số lượng đội tàu bay ATR72 từ 14 chiếc vào năm 2014, xuống còn 6 chiếc (giao cho Vasco khai thác) vào năm 2019 với lượng phi công và thợ kỹ thuật của Vietnam Airlines đối với loại tàu bay này tương đối dồi dào. Do vậy, việc khai thác tàu bay ATR của Công ty Thiên Minh sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không khác và không tạo áp lực với tổng thể nguồn nhân lực của ngành hàng không.

Tin liên quan
Tin khác