Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, quý I/2024, bất động sản công nghiệp vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong thị trường bất động sản Việt Nam, bất chấp những khó khăn và thách thức của nền kinh tế hiện tại.
Phân khúc này thu hút được nhiều dự án lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng. Tập trung vào các dự án sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, linh kiện, sản phẩm điện tử, và sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Trong đó, nhiều dự án đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư như: dự án 120 triệu đô la của công ty BoViet Hải Dương, dự án 454 triệu đô la của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên, dự án 275 triệu USD của Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh.
Các xưởng sản xuất tại khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn (Đồng Nai). Ảnh: Sài Gòn VRG |
Giá thuê dự kiến tăng 3 - 9%/năm
Báo cáo của CBRE ghi nhận, giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 ở phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương trong quý I năm nay tăng 7,8% so với cùng kỳ, đạt trung bình 133 USD/m2 với tỷ lệ lấp đầy đạt 83%.
Còn tại phía Nam, giá thuê đất công nghiệp một số thị trường như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 189 USD/m2 (khoảng 4,7 triệu đồng/m2) với tỷ lệ lấp đầy ổn định ở mức 92%.
Bên cạnh các thị trường cấp 1 truyền thống, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang có xu hướng mở rộng ra các thị trường cấp 2 tiềm năng như Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có quỹ đất công nghiệp dồi dào, giá thuê cạnh tranh.
Dự báo trong tương lai, nhu cầu thuê kho xưởng, đất công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong khi nguồn cung có phần hạn chế.
CBRE đưa ra nhận định trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 3-9%/năm ở miền Bắc và 3-7%/năm ở miền Nam. Giá thuê kho, nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ 1-4%/năm.
Chuyển đổi khu công nghiệp để tăng sức hút đầu tư
Nhiều chuyên gia cho rằng, những nỗ lực tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư cùng các yếu tố quan trọng về địa lý, chính trị đã giúp Việt Nam gia tăng thu hút FDI.
Đây cũng là lý do quan trọng giúp bất động sản công nghiệp giữ vững vị trí dẫn đầu trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, kinh tế suy thoái. Song để thu hút FDI bền vững, các chuyên gia nhận định môi trường đầu tư cũng cần được cải thiện toàn diện, đặc biệt là các khu công nghiệp cần tích cực đổi mới để phù hợp với yêu cầu sản xuất hiện đại.
KCN Phước Đông (Tây Ninh) chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao. Ảnh: Sài Gòn VRG |
Việt Nam là một trong 7 quốc gia tham gia Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu. Điều này giúp Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt được tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Các KCN, khu chế xuất cũng được khuyến khích phát triển theo mô hình tuần hoàn, ít khí thải nhà kính.
Nhiều địa phương đã coi KCN sinh thái là xu hướng phát triển tất yếu, lồng ghép việc phát triển các KCN theo hướng bền vững vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Bản thân các KCN cũng chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thu hút các ngành nghề công nghệ cao, dây chuyền sản xuất hiện đại.
Trong quá trình từng bước thực hiện chuyển đổi thành KCN sinh thái, nhiều biện pháp đã được chủ đầu tư KCN Phước Đông áp dụng như: hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái nhà xưởng, chọn lọc các nhà đầu tư đảm bảo được yếu tố bảo vệ môi trường, phát thải hạn chế, khuyến khích các doanh nghiệp trong khu sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng các nguồn nguyên liệu tái chế, đầu tư các loại máy móc hiện đại, tiêu tốn ít nhiên liệu.
KCN nằm gần đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cảng Thanh Phước, cửa khẩu Mộc Bài, dễ dàng di chuyển đến TP.HCM bằng cả đường bộ và đường thủy, KCN Phước Đông đã thu hút được hơn 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các sản phẩm đầu tư tại KCN đa dạng: đất cho thuê, nhà xưởng/nhà kho xây sẵn cho thuê, nhà xưởng xây theo yêu cầu.