Chuyển động thị trường
Bất động sản Hà Nội quý III/2015: Căn hộ cao cấp chiếm thế thượng phong
Quang Hưng - 29/09/2015 10:11
Sáng nay, họp báo về tình hình thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2015, CBRE Việt Nam cho biết, tính cả 9 tháng đầu năm 2015, lượng căn hộ cao cấp được chào bán chiếm 25% tổng số căn mở bán, so với mức 20% của 6 tháng đầu năm.
Sáng nay (29/9), họp báo về tình hình thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2015, CBRE Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm 2015, lượng căn hộ cao cấp được chào bán chiếm 25% tổng số căn mở bán, so với mức của 6 tháng đầu năm 2015 chỉ là 20%. Ảnh: Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam Rechard Leech, ngoài cùng bên phải.

 

Thị trường nhà ở quý III/2015 tiếp tục tăng trưởng tích cực, thúc đẩy số căn mới mở bán và lượng giao dịch. Tổng cộng có khoảng 9.160 căn hộ được chào bán mới ra thị trường từ 26 dự án, tăng gấp hơn 2 lần quý III/2014. Các căn hộ thuộc phân khúc cao cấp tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong số căn mở bán. Riêng trong quý III/2015, có khoảng 2.900 căn hộ cao cấp được mở bán, chiếm 32% tổng số căn mở bán mới.

Theo CBRE, tính cả 9 tháng đầu năm, lượng căn hộ cao cấp được chào bán chiếm 25% tổng số căn mở bán, so với mức 20% trong 6 tháng đầu năm. Về vị trí, lượng mở bán mới từ khu vực phía Nam trung tâm (quận Hai Bà Trưng) và khu phía Nam thành phố (quận Hoàng Mai) chiếm khoảng 48% tổng lượng mở bán mới, trong khi đó, số căn chào bán từ khu phía Tây và Tân Nam khiêm tốn hơn, chiếm khoảng 42% trong quý này.

Bà Nguyễn Hoài An – Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu & tư vấn, CBRE Việt Nam cho biết, thị trường trong quý diễn biến tích cực, thúc đẩy lượng tiền đổ vào từ người mua nhà. Khoảng 6.880 căn ước tính được giao dịch trong quý này, tăng 154% so với quý III/2014. Tiếp tục xu hướng từ quý trước, căn hộ cao cấp tiếp tục chiếm tỷ lệ tăng dần trong số căn hộ được giao dịch. Tính trong 9 tháng đầu năm, lượng bán phân khúc cao cấp chiếm 29%, tăng so với mức 25% trong 6 tháng đầu năm.

Về giá cả, giá thứ cấp bình quân tính theo USD giảm nhẹ 0,2% nhưng tăng 2% theo quý. Tuy nhiên, tính theo năm, giá thứ cấp bình quân tăng, tính theo cả giá USD và đồng Việt Nam (với mức tăng 1,4% tính theo USD và 7% tính theo đồng Việt Nam). Các dự án mới và đang xây dựng có mức tăng giá cao hơn so với các dự án đã hoàn thiện trước đây. Giá sơ cấp bình quân cũng tiếp tục tăng, với mức 5 – 7% so với cùng kỳ năm trước.

Sau 3 tháng kể từ khi các quy định mới có hiệu lực, đã có sự quan tâm nhất định từ người mua nhà nước ngoài. Tuy nhiên, chưa có tăng trưởng đột biến về lượng mua nhà từ người nước ngoài, do các chi tiết hướng dẫn thi hành vẫn đang được soạn thảo để thực thi. Sự chuyên nghiệp, thông thạo ngoại ngữ, thuận tiện trong thanh toán sẽ là vài trong số các yếu tố chủ chốt khi khách hàng nước ngoài tham gia vào thị trường.

Nhận định của CBRE được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục trong quý III/2015, được dẫn dắt bằng ngành sản xuất. Cụ thể, theo ông Richard Leech - Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm đạt 6,3%, trong đó, ngành công nghiệp và sản xuất đóng góp 2,9%. Ngoài mức tăng về xuất khẩu diện thoại, ngành dệt may xếp thứ 2 trong tổng doanh thu. Ngành này được kỳ vọng là một trong những ngành hưởng lợi lớn từ Hiệp định Thương mại Tự do (TPP). Theo nghiên cứu của một sốt chuyên gia kinh tế quốc tế, nếu thông qua, TTP và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Khu vực sẽ tăng xuất khẩu và GDP lên lần lượt là 83 tỷ USD và 43 tỷ USD.

Kể từ 1/7/2015, 2 điều luật được mong đợi trong 1 thời gian dài là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực. Ảnh hưởng của 2 đạo luật này sẽ đưa bất động sản Việt Nam lên một bước trong việc tiếp cận với nguồn đầu tư nước ngoài. Không chỉ mở rộng cho thị trường bất động sản, nhà nước cũng đồng ý xóa bỏ giới hạn sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài đối với công ty niêm yết, ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo điều ước quốc tế và trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật ở đó. Tuy nhiên, theo ông Richard Leech, sẽ không có những tác động tức thì đến thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài luôn theo dõi thị trường 1 cách cẩn thận.

CBRE cũng lưu ý, thị trường bất động sản không phải chỉ toàn một màu hồng khi mà số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã giảm 11,3% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Lần đầu tiên trong nhiều năm, sự lớn mạnh lên của tiền đồng bị cho là nguyên nhân giảm độ cạnh tranh về du lịch. Gần đây, với sự mạnh lên của đồng USD, đồng nội tệ của Việt Nam đã trở thành một trong những đồng tiền mạnh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do giá dầu giảm và chính sách tiền tệ của nhà nước. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm giá tiền đồng 2% từ đầu năm xuống 21.673 đồng/USD, tỷ giá vẫn được đề nghị tiếp tục điều chỉnh bởi các chuyên gia.

Tin liên quan
Tin khác