Cầm hộ khẩu để làm tin?
9h sáng Chủ nhật, ngày 29/11/2020, hàng chục xe ủi, xe cơ giới gầm gào san nền, xúc đất tại khu công trường mang tên Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, dự án dành cho những người dân trong khu vực quy hoạch Cảng hàng không Long Thành thuộc diện di dời, giải phóng mặt bằng.
Dọc con đường 769 thuộc xã Lộc An, huyện Long Thành, nơi dự án Lộc An - Bình Sơn và một số dự án tái định cư khác tọa lạc, cũng la liệt biển báo, văn phòng và các môi giới rao bán suất tái định cư với nhiều lời mời gọi hấp dẫn.
Bỏ qua nhiều văn phòng và các môi giới ra tận đường chèo kéo, phóng viên chú ý đến một môi giới đang đứng bên gốc cây cao su cạnh công trường Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hùng hồn thuyết minh cho 4 - 5 khách hàng.
Tình trạng rao bán suất tái định cư ở dự án Lộc An - Bình Sơn đang diễn ra nhan nhản. Ảnh: Trọng Tín |
Cả khu đất hơn 200 ha vẫn đang ngổn ngang chưa thấy được hình hài, nhưng Nam - tự xưng là môi giới nằm vùng - mở tấm bản đồ nhiều màu chỉ vanh vách cho khách hàng đâu là trường học, siêu thị, công viên cây xanh, thậm chí còn vẽ ra một cộng đồng dân cư sầm uất trong tương lai gần.
Môi giới này cho biết, anh có rất nhiều nguồn suất tái định cư cho những ai có nhu cầu. “Muốn lô nào, vị trí nào cũng có. Giấy tờ thì yên tâm. Mua bán giấy tay nhưng vẫn có thể cầm ra công chứng. Ở đây người ta mua nhiều rồi, riêng khu này thôi, tôi đã bán đến hơn chục lô”, Nam tự hào nói để khẳng định thêm uy tín và sự thông thuộc địa bàn.
Theo giải thích, những suất tái định cư này được bán ra là do những người có suất tái định cư cần tiền nên muốn bán sớm. “Mua bán hình thức này phải tin tưởng nhau, không ai muốn rắc rối, kiện tụng làm gì”, Nam nói và liên tục quảng cáo, anh vừa mới kết nối bán được 4 suất tái định cư cho một khách ở TP.HCM mà họ cũng chẳng nghi ngại gì.
Tìm hiểu thì được biết, một lô tái định cư 300 m2 đang được bán với giá 2,5 tỷ đồng, còn suất phụ tái định cư 100 m2 được bán với giá 800 - 900 triệu đồng. “Đầu tư vào những suất tái định cư mới có giá vậy. Nếu anh có thiện chí mua thì đặt cọc trước 70% rồi người bán sẽ giao sổ hộ khẩu anh giữ để làm tin. Khi người bán được nhận đất sẽ làm thủ tục sang nhượng ngay cho anh”.
“Anh suy nghĩ nhanh, chứ vài tháng sau khi khu tái định cư bàn giao đất cho người dân xây nhà giá chắc chắn sẽ tăng nhiều lần”, Nam hối thúc, nhưng khi nghe chúng tôi “phản biện” rằng, cuốn sổ hộ khẩu có giá trị gì nếu việc mua bán gặp trục trặc thì anh này lảng đi.
Nguy hiểm rình rập
Thực tế, rủi ro này đã không còn là “nếu”, mà đã xuất hiện những nạn nhân cụ thể trong việc mua bán suất tái định cư khi chị Nguyễn Thị Thương ngụ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM vừa làm đơn tố cáo, cho rằng bị lừa mất “cả chì lẫn chài” khi bỏ ra gần 2 tỷ đồng để mua 2 suất tái định cư ở một chung cư trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Trong đơn tố cáo gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra, chị Thương cho biết, năm 2018 chị gặp người phụ nữ tên Nguyễn Ngọc Huệ (ngụ 141/2 Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM) để mua lại suất tái định cư của người dân bị giải tỏa ở dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng lô 13-14.
Theo lời giới thiệu của bà Huệ, sau khi mua suất tái định cư, chị Thương sẽ nhận được một căn hộ tại chung cư Nguyễn Hữu Cảnh Riverside. Để mua được suất này, chị phải trả chênh lệch cho chủ nhà 600 triệu đồng/suất. Ngay sau đó, chị Thương đã gặp người được cho là có suất tái định cư để ký công chứng ủy quyền. Khi ký hợp đồng công chứng xong, chị được bà Huệ dẫn đến chung cư Nguyễn Hữu Cảnh Riverside để “bàn giao” hai căn hộ tại tầng 11 và tầng 15. Bà Huệ nói, do UBND quận Bình Thạnh chưa ban hành mức giá bán chính thức cho căn hộ tái định cư này nên chị Thương chỉ được giao căn hộ để ở tạm.
Để tạo lòng tin, bà Huệ đã lấy danh nghĩa Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Bất động sản Hoàng Anh Khang Gia ký một hợp đồng “cầm cố nhà”, đồng thời, chị Thương phải nộp cho công ty của bà Huệ 300 triệu đồng/căn để “làm tin” và được khẳng định, đến khi chính thức nhận được nhà, bà Huệ sẽ trả lại số tiền trên.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn dọn về căn nhà nói trên, chị Thương tá hỏa khi một người khác đến đòi lại nhà và cho biết, bà Ngọc Huệ thuê căn hộ nhưng không trả tiền đúng hạn nên bà đòi lại nhà.
Theo UBND quận Bình Thạnh, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng lô 13-14 (giai đoạn 2) do Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư. Những người dân bị giải tỏa bởi dự án phần lớn đã nhận tiền đền bù và tự tìm nơi ở mới, đồng thời họ cũng nhận được thêm suất tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, giá bán nhà tái định cư cũng sẽ được tính theo giá thị trường, chỉ những người chưa nhận tiền mới được mua nhà với giá ưu đãi.
Do đó, việc một cá nhân nào đó nói người dân được tái định cư ở chung cư Nguyễn Hữu Cảnh Riverside là không đúng vì quận không có chủ trương cho người dân tái định cư ở chung cư này.
Cái tên Nguyễn Ngọc Huệ cũng xuất hiện trong đơn tố cáo của bà Trần Thị Quý gửi đến Cơ quan công an quận Thủ Đức về việc bà Huệ lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu đồng khi rao bán 2 suất tái định cư ảo tại số C33 và C45 tại đường số 7, khu dân cư Bình Đức, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức.
Theo bà Quý, hai lô đất trên, bà Huệ đã làm giả giấy tờ là của mình khi cung cấp “Thông báo số 363/TB-BBTGPMB-BT1 ngày 15/8/2017” về việc đo vẽ hiện trạng nhà, thuộc dự án đầu tư xây dựng bãi trung chuyển xe buýt tại khu đất 152 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh và kèm theo danh sách những người dân bị di dời. Bà Huệ cho biết, 2 lô đất trên được Ban bồi thường giải phóng mặt bằng cấp bán và đang làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất cho mình.
Tin lời bà Huệ, tháng 6/2019, bà Quý đã ký 2 hợp đồng đặt cọc mua 2 lô đất nói trên, với số tiền 400 triệu đồng và theo cam kết, 30 ngày sau bà Huệ phải ra phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng 2 lô đất trên. Tuy nhiên, đến nay bà Huệ không những không ký hợp đồng công chứng mà còn bán nhà tại 141/2 Phạm Viết Chánh đi khỏi địa phương và cắt đứt liên lạc với bà Quý.
Được biết, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Thủ Đức, TP.HCM đã ra thông báo truy tìm vợ chồng bà Nguyễn Ngọc Huệ liên quan đến đơn tố giác “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” về hành vi lừa bán suất tái định cư diễn ra trên địa bàn quận Thủ Đức.
Trở lại với câu chuyện mua bán suất tái định cư đang rất rầm rộ tại khu vực ven sân bay Long Thành, theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích phải thu hồi, giải phóng mặt bằng cho sân bay là 5.000 ha. Trong tháng 10/2020, chính quyền địa phương này đã hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và chi trả đối với các cá nhân, hộ gia đình trong khu vực 1.810 ha; trong tháng 12/2020 này sẽ hoàn thành việc kiểm đếm và lên phương án bồi thường đối với các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực 3.190 ha.
Như vậy, từ nay đến cuối năm 2020, Đồng Nai sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu vực 5.000 ha xây dựng cảng hàng không. Điều này tạo điều kiện xúc tiến nhanh dự án đầu tư công trọng điểm này, sớm ổn định cuộc sống của người dân trong diện di dời. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Đồng Nai cũng cần cảnh giác với nguy cơ thị trường mua bán suất tái định cư phình ra với nhiều hệ lụy và những rủi ro, gây mất trật tự xã hội trên địa bàn.