Người dân khắp cả nước liên tục được doanh nghiệp bất động sản chào mời mua nhà đất tại Phú Quốc bằng rất nhiều cách thức khác nhau, vậy thực hư hoạt động đầu tư này ở Phú Quốc thế nào, thưa ông?
Trong mấy năm gần đây, thị trường bất động sản ở Phú Quốc bùng nổ cả về giá lẫn giao dịch. Thay vì vay ngân hàng hoặc huy động vốn bằng các kênh khác, các doanh nghiệp bất động sản đã kêu gọi nhà đầu tư cá nhân góp vốn mua biệt thự trong tổ hợp dự án nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, resort thông qua điện thoại, tin nhắn, email, mạng xã hội... Chủ dự án ký kết với ngân hàng thương mại nào đó cam kết cho nhà đầu tư vay tối đa 70% giá trị căn biệt thự và lấy chính căn biệt thự hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp. Khi biệt thự hoàn thành, đi vào khai thác, chủ dự án cam kết thuê lại với lợi nhuận 10 - 12%/năm.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang |
Tôi cho rằng, cách thức đầu tư này có rất nhiều lợi ích.
Thứ nhất, việc này giúp thị trường bất động sản phát triển, hỗ trợ hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác phát triển theo.
Thứ hai, ngân hàng đẩy mạnh được dư nợ tín dụng mà không sợ rủi ro.
Thứ ba, tạo cơ hội gia tăng giá trị đồng vốn cho rất nhiều người có tiền, nhưng không đủ để đầu tư hay kinh doanh lĩnh vực nào đó, đặc biệt là bất động sản.
Thứ tư, giúp ngân sách tăng thu trong bối cảnh hết sức khó khăn.
Vậy quản lý thuế đối với hoạt động đầu tư này bằng cách nào?
Khi thực hiện đầu tư, nhà đầu tư ký kết hợp đồng với chủ dự án. Chủ dự án và nhà đầu tư thực hiện tất cả thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch bất động sản, sau khi đóng góp nghĩa vụ tài chính với ngân sách sẽ được cơ quan quản lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi dự án đi vào khai thác, hàng năm, chủ dự án trả lãi cho chủ đầu tư với lãi suất theo thỏa thuận, thường là 10 - 12%/năm. Sau khi trả lãi ngân hàng, nếu nhà đầu tư vay dưới sự bảo lãnh của chủ dự án, số tiền còn lại, chủ dự án có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10% để nộp vào ngân sách nhà nước. Tất cả các giao dịch này rất minh bạch, rõ ràng, công khai, nên không có hiện tượng thất thu đối với hoạt động đầu tư bất động sản ở Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng.
Thị trường sốt nóng, rất nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... vào Phú Quốc đầu tư bất động sản, sau đó mua đi bán lại, nên quản lý thuế sẽ không dễ, thưa ông?
Giá bất động sản ở Phú Quốc trong mấy năm gần đây dao động rất mạnh, giao dịch mua đi, bán lại vô cùng sôi động, nhộn nhịp. Trước đây, trên thị trường bất động sản cả nước, người mua và người bán thường ghi giá giao dịch trong hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá thực tế thanh toán để giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân. Rất nhiều người đã phải trả giá đắt vì hành vi này khi giao dịch không thực hiện được hoặc bất động sản gặp vấn đề về pháp lý hoặc bất động sản nằm trong diện giải tỏa giải phóng mặt bằng.
Từ bài học kinh nghiệm xương máu trước đây, nên khi đầu tư bất động sản tại Phú Quốc, người mua và người bán ghi giá thanh toán và giá trong hợp đồng sát nhau. Nguyên nhân là nếu ghi giá thanh toán trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế, giao dịch không thành công hoặc có tranh chấp về pháp lý thì bên thua thiệt luôn là người mua, vì người bán chỉ trả lại tiền cho người mua theo giá trong hợp đồng.
Phú Quốc đang phát triển rất mạnh, rất nhiều công trình, dự án, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đang được đầu tư rất mạnh mẽ, vì thế, nếu người mua cố tình gian lận thuế bằng cách ghi giá trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế thì khi Nhà nước thu hồi đất, họ sẽ là người bị thiệt hại vì theo Luật Đất đai, khi Nhà nước thu hồi đất sẽ đền bù theo giá giao dịch dựa vào hợp đồng mua bán.
Chính vì sự trung thực trong giao dịch bất động sản, nên rất nhiều trường hợp chúng tôi cũng phải ngỡ ngàng khi tại nhiều hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, chỉ riêng tiền thuế thu nhập cá nhân đã lên tới 2 - 4 tỷ đồng.