Chung cư Saigonres Plaza |
Cuối tháng 10 vừa qua, hàng trăm cư dân của chung cư Saigonres Plaza (đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh), do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Nam Đô làm chủ đầu tư đã treo băng-rôn tố cáo sai phạm của chủ đầu tư và yêu cầu phải đảm bảo quyền lợi cho cư dân.
Dự án này bàn giao cho cư dân vào ở hồi tháng 1/2017, nhưng chỉ tới tháng 3/2017 thì nhiều hạng mục của căn hộ đã xuống cấp nghiêm trọng như thang máy rơi tự do không dưới 3 lần, trần nhà bị thấm nước, tường bị bong tróc không rõ nguyên nhân…
Trước đó, tại Dự án HQC Plaza (huyện Bình Chánh, TP.HCM) do Công ty Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư, dù chưa hoàn thiện và được nghiệm thu từ cơ quan chức năng, nhưng phía Hoàng Quân vẫn lách luật để cho người dân vào ở.
Vì dự án chưa hoàn thành nên chất lượng của HQC Plaza chưa đảm bảo. Người dân cho biết, nhiều chỗ trên tường nhà đã bị nứt, gạch dưới sàn cũng bị bong tróc, trời mưa thì thấm dột khắp nơi.
Một dự án nhà ở khác tại quận 9, do Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Nguyên Phúc làm chủ đầu tư cũng bị khách hàng tố cáo chất lượng rất thấp. Theo các hộ dân sinh sống tại chung cư này cho biết, chỉ sau 3 tháng đi vào sử dụng, một số bức tường tại dự án đã nứt gãy. Chủ đầu tư cho thợ đến sửa chữa, dặm vá bằng cách đục rỗng các vết nứt để trám lại bằng xi măng nhưng tình trạng vẫn không thay đổi.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, không chỉ bất đồng giữa cư dân và chủ đầu tư về chất lượng công trình, mà còn bất đồng về phí bảo trì chung cư…
Ông Bùi Văn Hiếu, Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, những trường hợp nêu trên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư khi không đảm bảo được chất lượng công trình.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, hiện nay quy định pháp luật đang có nhiều hạn chế. Đơn cử, theo quy định hiện hành thì trách nhiệm nghiệm thu công trình thuộc về chủ đầu tư. Việc nghiệm thu đó, cơ quan nhà nước không cần tham dự. Cụ thể, khi hoàn thành thi công xong phần nào (móng cọc hoặc phần thô, sàn tầng...), giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát sẽ làm biên bản nghiệm thu, trong đó xác nhận công trình đúng thiết kế, đúng chất lượng và đảm bảo kỹ thuật. Để ra được bản nghiệm thu đó, phía chủ đầu tư phải mang mẫu thử của công trình (mẫu bê tông, cốt thép...) sang những trung tâm kiểm nghiệm theo quy định để kiểm tra.
Sau khi hoàn thành nghiệm thu công trình, kể cả nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, phía chủ đầu tư sẽ làm hồ sơ để trình lên Sở Xây dựng. Lúc này, Sở Xây dựng chỉ đóng vai trò hậu kiểm. Nếu công trình đã có đủ hồ sơ, thì Sở sẽ đến kiểm tra thực địa và có biên bản đồng ý cho chủ đầu tư đưa dân vào ở. Đây chính là hạn chế, bởi công trình chỉ xuất hiện lỗi sau một thời gian.
Để giải quyết vấn đề chất lượng công trình chung cư. PGS-TS. Nguyễn Văn Hiệp, Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật xây dựng, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, cần phải có quy định cụ thể về chất lượng công trình xây dựng chung cư khi đưa vào sử dụng trong vòng 2 năm đầu. Nếu chất lượng công trình xuống cấp, chủ đầu tư phải bồi thường.
“Khách hàng cũng phải được quản lý công trình chung cư mà mình mua từ khi đang xây dựng. Điều này sẽ giúp khách hàng an tâm hơn với chất lượng công trình và chủ đầu tư cũng phải làm ăn đứng đắn”, ông Hiệp nói.
Tại TP.HCM hiện đã có một số chủ đầu tư thực hiện việc cho khách hàng quản lý chất lượng công trình chung cư khi đang xây dựng. Đơn cử, các công trình của Công ty cổ phần Him Lam Land đều thành lập Ban kiểm tra chất lượng công trình do chính khách hàng mua dự án bầu ra.
Trần Anh Group, Công ty Bất động sản Hưng Thịnh… cũng cho khách hàng kiểm tra chất lượng công trình khi đang xây dựng.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hung Thinh Land cho biết, việc hỗ trợ khách hàng giám sát chất lượng công trình khi đang xây dựng được công ty ông đặt lên hàng đầu. “Các chủ đầu tư nên tạo cho khách hàng sự tin tưởng. Khách hàng bỏ tiền mua nhà của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải cho khách hàng an tâm với sản phẩm mà họ mua”, ông Hiền nói.