Điểm nóng
Bắt hàng loạt cán bộ cao cấp tỉnh Bình Dương: Họ đã làm gì trong vụ bán rẻ 43 ha đất công?
Ngô Nguyên - 02/07/2021 16:39
Việc Bộ Công an vừa quyết định khởi tố bắt tạm giam từ Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Chánh thanh tra tỉnh tới nguyên Phó bí thư, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh gây chấn động dư luận.
Dự án Tân Phú trên mảnh đất công 43 ha đã đưa 20 người vào lao lý tính đến thời điểm này, chưa kể những người khác bị kỷ luật

Dùng chiêu liên doanh để hô biến của công

Theo công bố của Bộ Công an, 6 cán bộ, nguyên cán bộ cao cấp tỉnh Bình Dương vừa bị khởi tố bắt tạm giam liên quan tới vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng công ty 3/2) theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/PC03 ngày 16/12/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương và Quyết định số 14/QĐ-VKS-P1 ngày 3/9/2020 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương.

Như vậy cần phân tách rõ, 6 người vừa bị bắt mới chỉ liên quan vụ Tổng công ty 3/2 bán 43 ha đất công giá rẻ, chứ chưa phải vụ Tổng công ty 3/2 liên doanh và xóa sổ 145 ha đất công khác (cũng đang được xử lý theo quy trình). Đây là vụ việc mà từ năm 2019-2020 Báo Đầu tư đã có nhiều bài điều tra phản ánh, tức là khi cơ quan công an chưa vào cuộc.

Hồ sơ chúng tôi thể hiện, Tổng công ty 3/2 (hiện đã cổ phần hóa) vốn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và phát triển Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương tại TP. Thủ Dầu Một. Ngày 24/11/2004, Tổng công ty 3/2  ký Hợp đồng “Đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” với Ban Quản lý Dự án Khu liên hợp Bình Dương với số tiền hơn 414 tỷ đồng cho hơn 567 ha đất. Sau đó, Tổng công ty 3/2  xin Tỉnh ủy Bình Dương liên doanh để làm dự án trên diện tích 43 ha được “trích” ra trong hơn 567 ha đất.

Điều đáng nói, trong thỏa thuận thống nhất liên doanh trước đó giữa Tổng công ty 3/2 với Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc, hai bên đã thống nhất hoàn trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng 43 ha đất là 570.000 đồng/m2 và xem mức giá này là giá trị đất; sau khi liên doanh được thành lập thì công ty mới (Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú - Công ty Tân Phú) thanh toán tiền đền bù cho Tổng công ty 3/2, còn Tổng công ty 3/2 phải đảm bảo cho Công ty Tân Phú việc bàn giao toàn bộ khu đất để liên doanh nắm chủ quyền hợp pháp.

Vấn đề là, trong thỏa thuận trên, 43 ha đất trên thuộc tài sản của Nhà nước mà quản lý là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tức là nếu đem đất công đi liên doanh mà lại cùng thỏa thuận trên, thì chẳng khác gì thủ đoạn bán rẻ đất công không qua đấu giá.

Tháng 8/2010, Tỉnh ủy Bình Dương có Văn bản 1830 đồng ý chủ trương cho Tổng công ty 3/2 góp vốn cùng Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc lập liên doanh Công ty Tân Phú để làm Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú (Dự án Tân Phú) trên khu đất. Trong đó, Tổng công ty 3/2 góp vốn 60 tỷ đồng bằng tiền mặt, chiếm 30% vốn điều lệ, còn Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ.

Thế nhưng, tới tháng 12/2016, dù chỉ được góp đất làm dự án, Tổng công ty 3/2 lại đem bán đứt 43 ha đất cho Công ty Tân Phú với giá trên 581.000 đồng/m2, thu về hơn 250 tỷ đồng, mà không qua bất kỳ một cơ quan định giá hay tổ chức đấu giá nào. Đáng nói là, theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, thì Tổng công ty 3/2 đã bán với giá thấp hơn giá quy định tại thời điểm trên của UBND tỉnh Bình Dương, gây thất thoát ngân sách hơn 126 tỷ đồng.

Chưa dừng lại, tháng 3/2017, Tổng công ty 3/2 xin thoái vốn góp 30% trong liên doanh cho Công ty Âu lạc để “Công ty Âu Lạc được sở hữu 100% dự án, thì sẽ chủ động hơn trong việc triển khai sản xuất - kinh doanh mang lại hiệu quả” và được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận. Tới tháng 8/2017, Tổng công ty 3/2 bán xong 30% vốn góp cho Công ty Âu Lạc với giá trên 161 tỷ đồng, giúp công ty này thâu tóm, toàn quyền định đoạt 43 ha công sản.

Hơn một năm sau, ngày 10/10/2018, Tỉnh ủy Bình Dương ra Thông báo 512 với nội dung: chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy chỉ cho công ty góp 30% vốn bằng tiền, công ty lại góp bằng đất. Nên Thường trực Tỉnh ủy quyết định thu hồi chủ trương đã cho chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú để làm rõ.

Thế nhưng, Công ty Âu Lạc đã “sang tay” toàn bộ dự án cho Công ty Kim Oanh. Hiện dự án mang tên Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú (Dự án Tân Phú), được coi là “dự án vàng” bởi nằm tại góc đường Võ Văn Kiệt và Phạm Ngọc Thạch thuộc TP. Thủ Dầu Một, ngay đường rẽ vào Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương.

Cán bộ nào để lại “bút tích” gì?

Trong vụ việc này, hồ sơ chúng tôi thể hiện rằng, sau khi bán đứt 43 ha đất công với giá rẻ từ năm 2016, tháng 3/2017, Tổng công ty 3/2 làm văn bản gửi Tỉnh ủy Bình Dương xin chuyển nhượng phần vốn góp 30% cho Công ty Âu Lạc để doanh nghiệp toàn quyền 100% dự án nhằm thuận lợi triển khai.

Cũng tại văn bản này, về việc bán 43 ha đất, Tổng công ty 3/2 nói chỉ “chuyển giao khu đất” nhằm “thuận lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng về điều khoản giao khu đất 43 ha”.

Thế nhưng, ngày 17/4/2017, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã chủ trì cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy với sự tham dự của các ông Phạm Văn Cành, Phó bí thư thường trực (hiện đã bị bắt); Trần Thanh Liêm, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (hiện đã bị bắt). Tại cuộc họp, ông Nam đã “đồng ý chủ trương cho Tổng công ty 3/2 được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú”.

Sau đó, ngày 20/4/2017, ông Phạm Văn Cành đã ký Thông báo kết luận số 287-TB/TU thể hiện Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý chủ trương cho Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp. Thông báo này có thêm câu: “Tổng công ty phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng”. Điều này chẳng khác gì hợp thức hóa việc bán 43 ha đất công và giúp Tổng công ty 3/2 nhập nhèm đưa được 43 ha đất công vào vốn góp 30%.

Còn ông Trần Thanh Liêm, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, theo xác định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 4 (từ ngày 14 đến 16/6/2021), đã có hành vi bổ sung văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân.

Tư liệu của chúng tôi cho thấy, ông Liêm cũng là người ký Quyết định 3314/QĐ-UBND ngày 29/11/2012 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Tân Phú.

Cũng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các ông Nguyễn Thanh Trúc, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Trần Xuân Lâm, Tỉnh ủy viên, Chánh thanh tra tỉnh; Võ Văn Lượng, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Chánh văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thẩm định, tham mưu, trình ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

Với ông Ngô Dũng Phương, Đảng ủy viên, Trưởng phòng Phòng Tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc bổ sung văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân.

Sau khi khởi tố bắt tạm giam 6 bị can là cán bộ, nguyên cán bộ tỉnh Bình Dương, Bộ Công an cho hay, vụ án vẫn tiếp tục được điều tra.

Trước đó, từ năm 2019, sau khi báo chí phanh phui, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc. Sau thời gian thanh tra, đơn vị này không công bố kết quả, mà chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Bình Dương điều tra. Sau đó, Công an Bình Dương chuyển hồ sơ tới Bộ Công an để tiếp tục làm rõ.

Sáu lãnh đạo, cựu lãnh đạo cao cấp tỉnh Bình Dương vừa bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam gồm các ông: Phạm Văn Cành, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương; Trần Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Trần Xuân Lâm, Chánh thanh tra tỉnh Bình Dương; Võ Văn Lượng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương; Ngô Dũng Phương, Trưởng phòng Phòng Tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương.

Trước đó, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với các ông Phạm Văn Cành và Trần Thanh Liêm; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, 2020 - 2025 đối với các ông Nguyễn Thanh Trúc và Trần Xuân Lâm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với 2 ông: Võ Văn Lượng, Ngô Dũng Phương.

Như vậy, trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty 3/2 chỉ liên quan tới việc bán 43 ha đất công, tính tới thời điểm này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bắt giam (có trường hợp cho tại ngoại) tổng cộng 20 người.
Tin liên quan
Tin khác