Nữ ITIL Expert đầu tiên ở Việt Nam
Để trở thành nữ ITIL Expert đầu tiên ở Việt Nam, Bùi Thị Hải Yến đã có một năm đầy khó khăn để chinh phục được đủ 7 chứng chỉ ITIL và giành được ITIL Expert (một trong những chứng chỉ công nghệ thông tin danh giá nhất trên thế giới). Xét về mặt thời gian dự kiến, việc hoàn thành 7 chứng chỉ ITIL từ Foundation đến Advanced gần tương đương với một tấm bằng thạc sĩ.
Tại Việt Nam, việc học tập để chinh phục chứng chỉ danh giá này vẫn còn là khái niệm khá xa lạ khi chỉ có một đơn vị duy nhất tại TP.HCM đủ điều kiện cấp chứng nhận đào tạo. Không thể gác công việc tại Hà Nội sang một bên, Hải Yến đăng ký online và tự mình xây dựng lộ trình học tập.
“Ngặt ở chỗ, năm 2018 - khi theo đuổi chứng chỉ này cũng là lúc bé nhà mình mới được 3 tuổi, rất bám mẹ. Nếu không có sự trợ giúp từ gia đình thì chắc mình còn không đủ thời gian để làm chứ đừng nói đến học”, Hải Yến tâm sự.
Hải Yến là người Viettel đầu tiên sở hữu chứng chỉ này, cũng là nữ ITIL Expert đầu tiên ở Việt Nam. |
Điều may mắn lớn của Hải Yến là “sau khi về nhà, ông xã mình đều cố gắng cho con ăn rồi đưa bé đi chơi để mình tranh thủ nghỉ ngơi sau ngày dài. Đợi bé ngủ rồi, mình mới có thể chong đèn tập trung vật lộn với 200-300 trang slide của mỗi chứng chỉ”. Chu trình này cứ lặp đi lặp lại như vậy suốt hơn 1 năm trời.
Ngoài thời gian học buổi tối ở nhà, Hải Yến còn tranh thủ 30 phút nghỉ trưa để tự học. Tuy nhiên, với lượng kiến thức lớn, chuyên sâu như các chứng chỉ ITIL, việc tự học cũng rất khó khăn bởi tiếp cận kiến thức 1 chiều. Để khắc phục, Hải Yến tìm thêm tài liệu, kết nối cùng bạn bè, đồng nghiệp để hỏi đáp, tìm hiểu đến cùng vướng mắc mình gặp phải.
Theo đuổi chứng chỉ quốc tế, ngôn ngữ cũng là một rào cản khác. “Không được học bài bản và sử dụng tiếng Anh thường xuyên nên nhiều lúc mình không hiểu được các tầng ý nghĩa của khái niệm trong bài học, loay hoay mất nhiều thời gian. Vậy mới thấy, học tiếng Anh chưa bao giờ là đủ”.
Thế nhưng, bất chấp những khó khăn, Yến vẫn xoay sở và tự vượt qua được. Tốc độ học và thi chứng chỉ quốc tế của cô khiến người khác phải ngạc nhiên: “Cứ 2 tháng là mình học, thi xong một chứng chỉ cấp độ 2”.
Thách thức lớn nhất mà Hải Yến phải vượt qua là chỉ có 1 tháng 10 ngày để hoàn thành chứng chỉ cuối, và bắt kịp lịch khai giảng khóa học mới trong “lúc đó đúng đợt đi công tác và nhiều dự án cần hoàn thiện”. Thế nhưng, Hải Yến không chỉ bắt kịp lịch khai giảng mà còn xuất sắc giành được ITIL Expert sau 5 ngày “chinh chiến” tại Tp. Hồ Chí Minh.
Nữ kỹ sư trở thành người Viettel đầu tiên sở hữu chứng chỉ này, cũng là nữ ITIL Expert đầu tiên ở Việt Nam. Mặc dù rất vui và tự hào, nhưng với Hải Yến đó là một khởi đầu cho một hành trình mới: áp dụng kiến thức đã học vào công việc.
Áp dụng kiến thức đã học từ ITIL vào việc xây dựng lại bộ quy trình GNOC trong vận hành và khai thác mạng lưới, Hải Yến đề xuất thay đổi từ đánh giá dàn trải toàn bộ KPI sang trọng tâm vào 1-2 điểm quyết định thành công. Phương án này đã được VTNet áp dụng và tạo nên cách giải quyết vấn đề, làm việc khoa học hơn, lại tiết kiệm thời gian.
Nữ kỹ sư tiên phong trong Công nghệ Thị giác máy tính ở Viettel
Đã có 10 công trình nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, Vũ Thị Hạnh đang đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Viettel.
Lĩnh vực chị theo đuổi là Thị giác máy tính (công nghệ giúp máy tính có được khả năng nhìn và hiểu giống như con người). Đây là một lĩnh vực mới và rất khó tại Việt Nam, nhưng có ứng dụng thực tế rộng rãi và hữu ích, đặc biệt trong việc xây dựng thành phố thông minh.
Chị Vũ Thị Hạnh đang đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Viettel |
Dẫn dắt một đội mới thành lập để theo đuổi công việc khó nhằn, chị Hạnh từng vấp phải vô số thách thức. “Có lúc mình từng mất phương hướng, nhưng cuối cùng vẫn vượt qua được bằng cách tự học và tăng cường kết nối với các chuyên gia ở cả trong và ngoài nước, phối hợp nghiên cứu và huấn luyện team để nâng cao kiến thức chuyên môn”.
Hiện nay, sau hơn một năm phát triển, các sản phẩm đưa ra ứng dụng thực tế của Khối thị giác máy tính – VTCC đã rất đa dạng và hiệu quả. Ví dụ như công nghệ nhận diện khuôn mặt áp dụng cho các sản phẩm định danh khách hàng điện tử (eKYC), camera chấm công tự động, quản lý vào ra trong toà nhà; công nghệ nhận diện hành vi con người áp dụng cho các sản phẩm giám sát an ninh thông minh, phục vụ xây dựng thành phố thông minh… Tất cả đều là những sản phẩm thiết thực được ứng dụng từ kết quả nghiên cứu thành công của nhóm chị Hạnh.
Trong giới kỹ sư về trí tuệ nhân tạo, việc một “bóng hồng”, lại xinh đẹp và có nhiều thành tích là một hiện tượng. Thế nhưng, chị Hạnh luôn không xem mình là đặc biệt. Nữ kỹ sư xinh đẹp này chỉ tập trung duy nhất vào kết quả công việc, với các dự án thách thức, chị cũng không cần được ưu ái hơn trong công việc hay suy nghĩ về sự thua thiệt, tự ti vì mình là nữ giới.
“Ở Viettel, chúng tôi làm việc trong một môi trường không định kiến. Chỉ cần có năng lực, thì bất kể nam hay nữ, các bạn đều có cơ hội phát triển nghề nghiệp ngang nhau” - chị Hạnh cho biết.
Luôn cố gắng “bình đẳng hóa” công việc nghiên cứu khoa học, công nghệ, nhưng chị Hạnh chưa bao giờ “bình thường hóa” nỗ lực của mình trong công việc. Nữ ký sư này cho biết: “Là nữ giới, mình có một số điểm yếu hơn nam giới, nhưng cũng có ưu thế, điểm mạnh ở một số mặt khác. Hãy tập trung khai thác những điểm mạnh đó. Kết quả công việc sẽ là sự chứng minh rõ ràng nhất”.
Chị Hạnh đề cao những kỹ sư nữ hiếm hoi trong ngành ở sự chăm chỉ, cần mẫn, cẩn thận, chi tiết và kỹ lưỡng trong nghiên cứu khoa học. Theo chị, phái nữ còn có thế mạnh trong sự mềm mại, uyển chuyển trong giao tiếp. “Nữ tính cũng là một chất xúc tác giúp cho môi trường công việc khoa học kỹ thuật bớt khô khan và cứng nhắc hơn”, chị Hạnh nhận xét.
“Viettel đã, luôn và sẽ lớn lên cùng với những sáng kiến, ý tưởng đột phá mà phụ nữ Viettel đóng góp. Họ đã luôn cống hiến với ý chí và sự nỗ lực như những chiến sĩ thực thụ trên thương trường vốn không ít gian lao, thậm chí đòi hỏi cả sự hy sinh, thiệt thòi. Đó là điều mà lãnh đạo Tập đoàn luôn luôn trân trọng”, Đại tá Dương Văn Toàn nhận xét.