Ngân hàng
Bất ngờ cơ cấu lợi nhuận ngân hàng quý II/2021
Hà Tâm - 23/07/2021 08:11
Nhiều ngân hàng vẫn dự báo tín dụng và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt. Vì vậy, lợi nhuận có thể giảm đáng kể vì hỗ trợ doanh nghiệp, song lợi nhuận năm nay tiếp tục khả quan.
Trong nửa đầu năm nay, tín dụng của TPBank tăng trưởng gần 11%.  Ảnh: Đ.T

Lạc quan về tín dụng và lợi nhuận

Quý II/2021 gần như nằm trọn trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, song báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, tình hình kinh doanh vẫn rất tích cực. Thậm chí, có ngân hàng đã kịp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của cả năm trong vòng 6 tháng.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Saigonbank đã đạt lợi nhuận trước thuế đạt 136 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, vượt kế hoạch cả năm. MSB ước đạt 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng, gấp 3 lần cùng kỳ và hoàn thành 85% mục tiêu cả năm.

Ngân hàng ACB cũng đã hoàn thành 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm, với 6.400 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 66% so với cùng kỳ. SeABank báo lãi trước thuế 6 tháng tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2020. Tại VietBank, lợi nhuận nửa đầu năm nay đã đạt 65% kế hoạch năm, riêng lợi nhuận quý II/2021 tăng 3,5 lần so với cùng kỳ...

Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ các ngân hàng rất đa dạng. Với đa phần ngân hàng, lợi nhuận vẫn đến từ lãi thuần. Tín dụng tăng mạnh cộng với chi phí huy động vốn thấp, lãi vay giảm chậm đẩy biên lãi ròng (NIM) của nhiều ngân hàng tăng vọt lên trên 4%, giúp ngân hàng bội thu nhờ cho vay. Tính đến cuối tháng 6/2021, nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, như ACB (tăng 9,4%), Vietcombank (tăng gần 9%), VIB (tăng 8,1%), TPBank (tăng gần 11%)...

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng nhỏ tăng trưởng tín dụng kém, lợi nhuận cải thiện chủ yếu nhờ các yếu tố khác, như giảm trích lập dự phòng, tăng thu hồi nợ xấu… Chẳng hạn, trong quý II/2021, PGBank công bố lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng rủi ro giảm 7,2% so với cùng kỳ, nhưng trích lập dự phòng giảm tới 66%, khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này tăng 264% so với cùng kỳ.

Ngược lại, tại Saigonbank, chi phí dự phòng tăng gấp 5,1 lần và đã ăn mòn lợi nhuận 6 tháng của ngân hàng này. Quý II/2021, các mảng kinh doanh cốt lõi của Saigonbank đều kém khả quan. Điểm sáng lớn nhất của ngân hàng này là mảng thu hồi nợ đã mang về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận.

Mới đây, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp, khiến lợi nhuận ngân hàng sẽ bốc hơi đáng kể. Dù vậy, theo ước tính của giới phân tích, số lợi nhuận này có thể sẽ được bù đắp trong 2 quý cuối năm nhờ được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng. Dù dịch bệnh đang diễn rất phức tạp, song nhiều ngân hàng dự báo, tín dụng sẽ bật tăng trở lại trong quý IV/2021.

“Tính tới ngày 10/7, tín dụng tại ngân hàng chúng tôi vẫn tăng trưởng tốt, tập trung vào khách hàng cá nhân, bán lẻ. Dự kiến cuối quý III/2021 sẽ sử dụng hết hạn mức tín dụng mới được Ngân hàng Nhà nước cấp và sẽ phải xin điều chỉnh room tín dụng một lần nữa”, phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, tài chính - ngân hàng là một trong 8 lĩnh vực bị tác động mạnh bởi Covid-19. Mặc dù lợi nhuận 6 tháng của ngành vẫn đang rất khả quan, nhưng kết quả kinh doanh cuối năm sẽ khác, khi các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN của NHNN, đồng thời áp lực nợ xấu đang tăng lên.

Ngân hàng tăng phòng thủ, siết quản trị rủi ro

Mặc dù nhu cầu tín dụng của thị trường vẫn đang khá tốt, song nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong giải ngân, đồng thời sẽ mạnh tay hơn trong trích lập dự phòng rủi ro để phòng ngừa rủi ro nợ xấu bật tăng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, làn sóng tăng vốn của một loạt ngân hàng thời gian qua phản ánh xu hướng này. Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng “gia cố” đệm an toàn vững chắc hơn, đề phòng nguy cơ nợ xấu tăng mạnh.

“Vừa qua, một loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay, song tôi nghĩ rằng, ngân hàng không giảm cào bằng, mà chỉ chọn lọc một số đối tượng. Mặc dù lợi nhuận của ngành ngân hàng lạc quan hơn nhiều ngành khác, song ngân hàng cũng phải dành nguồn lực để dự phòng. Ngân hàng phải khỏe thì mới có thể cứu được doanh nghiệp, nên an toàn hệ thống vẫn phải được coi trọng hàng đầu”, ông Hiếu nhận định.

Được biết, hiện nay, rất nhiều ngân hàng đang áp dụng công nghệ hiện đại, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, học máy, tự động hóa quy trình… vào các khâu thẩm định tín dụng, giải ngân, quản lý rủi ro tín dụng…

Với việc tăng cường siết chặt quản trị rủi ro cộng với triển vọng tăng trưởng tín dụng, triển vọng lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm nay tiếp tục được đánh giá khả quan.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Lợi nhuận ngân hàng cao là dấu hiệu đáng mừng, bởi ngân hàng khỏe thì mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Theo ông Hùng, việc ngân hàng lãi lớn không phải là do “ăn dày” lãi, mà còn nhờ rất nhiều yếu tố như đa dạng hóa nguồn thu, giảm chi phí huy động vốn, ứng dụng công nghệ… Thực tế, nếu so sánh về tổng tài sản, vốn điều lệ, lợi nhuận của ngân hàng không bằng một số ngành, lĩnh vực khác.

Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đặc biệt nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng, bên cạnh tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cần phải đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia.

 

“Trong kịch bản cơ sở - kịch bản dễ xảy ra nhất - tôi cho rằng, dịch bệnh sẽ cơ bản được kiểm soát trong tháng 8/2021 và tín dụng tăng tốc trở lại trong những tháng cuối năm. Tín dụng năm nay vẫn có thể tăng 12-13%”.

- TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

 

Tin liên quan
Tin khác