Ngành sản xuất phân bón trong nước hiện có tới 800 doanh nghiệp, sản xuất các loại phân urea, phân lân, phân hỗn hợp NPK…, đáp ứng cơ bản 80% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Cùng với hơn 4 triệu tấn sản phẩm nhập khẩu mỗi năm, trị giá 1,42 tỷ USD và khoảng 9.000 sản phẩm đang lưu hành, việc quản lý thị trường phân bón đang khiến các cơ quan chức năng lúng túng.
Cục Hóa chất (Bộ Công thương), một trong những đầu mối quản lý nhà nước về thị trường phân bón thừa nhận, thị trường phân bón trong nước quá phức tạp, phân bón giả, kém chất lượng, bao bì nhãn mác mập mờ đang làm méo mó và gây khó cho quản lý thị trường phân bón.
Việc nhập khẩu phân bón ồ ạt khiến nhiều nhà máy trong nước gặp khó khăn. Ảnh: Đức Thanh |
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại trầm trọng tới sản xuất nông nghiệp và cho cả nền kinh tế. “Sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp, bởi không chỉ xuất hiện trong cơ sở sản xuất phân bón, trong các đại lý kinh doanh, mà còn xuất hiện cả trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định, gây thiệt hại lớn chưa giải quyết được”, ông Thúy nói.
Theo tính toán, nền kinh tế đã bị thiệt hại mỗi năm khoảng 60.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra. Điều đáng lo ngại là, rất nhiều trong số 9.000 loại phân bón được sản xuất không đạt chất lượng như đăng ký với cơ quan chức năng. Đơn cử, các đơn vị đăng ký sản xuất phân bón đều cam kết hàm lượng NPK là 53%, nhưng khi kiểm tra, hầu hết hàm lượng NPK trong mẫu đều chưa tới 10%, còn lại đều là... bột đá vôi.
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, số vụ vi phạm phân bón giả, phân bón kém chất lượng bị phát hiện và xử phạt lên tới 4.000 vụ/năm. Riêng 8 tháng năm 2016, khi kiểm tra 1.800 hộ kinh doanh phân bón, đã phát hiện 421 hộ kinh doanh vi phạm, xử phạt 8 tỷ đồng. Cơ quan chức năng lấy 786 mẫu phân bón đi kiểm nghiệm thì chỉ có 69% mẫu đạt chất lượng.
Ngoài hàng ngàn sản phẩm phân bón sản xuất trong nước, câu chuyện chưa quản lý nổi các sản phẩm phân bón nhập khẩu càng khiến thị trường này thêm phần bát nháo. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 8 đạt hơn 350.000 tấn, trị giá 82,6 triệu USD. Tính chung 8 tháng năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 2,6 triệu tấn, trị giá 736 triệu USD.
8 tháng qua, đã có 1,2 triệu tấn phân bón các loại được nhập khẩu từ Trung Quốc, tương đương 305 triệu USD. Như vậy, lượng phân bón nhập khẩu chỉ riêng từ thị trường Trung Quốc đã chiếm gần 50% lượng phân bón nhập khẩu cả nước. Trước đó, trong năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu tới 4,505 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 1,42 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và 14,5% về trị giá so với năm 2014.
Việc nhập khẩu ồ ạt khiến cho nhiều nhà máy trong nước như Đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai bị thiệt hại trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016 khoảng 2.042 tỷ đồng, do phải giảm mạnh sản lượng vì không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu.
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết thêm, sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cung phân bón thế giới dư thừa, hàng nội bị cạnh tranh khốc liệt với phân bón nhập khẩu, chưa kể hàng giả…
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên rất mạnh. Riêng đối với Đạm Cà Mau, trong năm 2015, tiền thuế VAT không được khấu trừ thuế đầu vào so với năm trước khoảng 550 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm, con số này cũng lên khoảng 300 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Công ty Super phosphat Lâm Thao trước đây bán ra khoảng 3.000 tấn/ngày, nay chỉ bán được khoảng 2.000 tấn/ngày; công suất 550.000 tấn của Công ty Phân đạm Hà Bắc giảm 40%, giá urea bán ra giảm 20%.
Quản lý chồng chéo, chế tài xử phạt thiếu nghiêm minh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng diễn ra phổ biến như hiện nay. Điều này được ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia chỉ rõ thêm, đó là sự “vào cuộc” của một số bộ, ngành chưa thường xuyên, công tác quản lý nhà nước còn chồng chéo.
Trong bối cảnh đó, để tránh thiệt hại, một số doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn như Đạm Phú Mỹ, Bình Điền… đã mở hàng chục ngàn điểm kinh doanh nhằm đưa sản phẩm đến tận tay nông dân tại khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long. Một số doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả quản lý và lập lại thị trường phân bón, cần nghiên cứu áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm urea tương tự như phôi thép và bột ngọt để hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.