Tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Amazon sẽ bắt tay hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt muốn làm ăn với Amazon. |
Đưa hàng Việt lên “sàn” quốc tế
Chuyện nón lá, chổi đót, cà phê, bún khô, bánh tráng, đồ mây tre đan… Việt có mặt trên sàn thương mại điện tử Amazon với giá bán cao gấp vài chục lần giá bán trong nước đã không còn là chuyện lạ trong vài năm gần đây. Tới đây, cơ hội sẽ càng lớn hơn nữa, khi cả Amazon lẫn các doanh nghiệp Việt, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, đều mong muốn đưa hàng Việt lên “sàn” quốc tế.
“Chúng tôi nhận thấy, các nhà bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu sản phẩm xuyên biên giới nhanh chóng hơn”, ông Gijae Seong, Giám đốc quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam (AGS Vietnam) đã nói như vậy trong cuộc làm việc mới đây với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hiện hai bên đang thảo luận các kế hoạch hợp tác để làm sao giúp hàng hóa Việt sớm được đưa lên các sàn thương mại điện tử của Amazon.
“Việt Nam có một số điểm mạnh, như đang dần trở thành một công xưởng sản xuất của không chỉ khu vực Đông Nam Á, mà là của cả thế giới; các sản phẩm của Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Amazon quốc tế đã được chú ý...”, ông Gijae Seong nói.
Ở chiều ngược lại, Amazon dường như cũng đang nỗ lực tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt.
“Chúng tôi cũng đang tiếp tục tìm kiếm các lĩnh vực mới để hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho các doanh nghiệp Việt, giúp họ bản địa hóa sản phẩm, tùy biến sản phẩm để dễ dàng hơn khi bán hàng trên Amazon”, ông Gijae Seong nói.
Cũng theo ông Gijae Seong, Amazon có kế hoạch giúp doanh nghiệp Việt tăng hiệu quả khi tham gia bán lẻ trên sàn thương mại điện tử, như hỗ trợ người bán hàng lưu kho tại Amazon và các dịch vụ hỗ trợ online khác.
Amazon là “ông lớn” thương mại điện tử toàn cầu. Lên được “sàn” Amazon, thì hàng Việt có cơ hội tiếp cận với hơn 300 triệu tài khoản khách hàng, 200 triệu thành viên Prime toàn cầu tại 15 thị lớn, như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Nhật, Singapore… Bởi thế, làm sao “bắt tay” được với Amazon không chỉ là tham vọng của riêng doanh nghiệp Việt, mà còn là mong muốn của các nhà hoạch định chính sách.
“Hiện tại, NIC tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp lên các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu xuyên biên giới. Chúng tôi tin rằng, Amazon là một đối tác phù hợp để đồng hành với mục tiêu của chúng tôi”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết.
“Bệ phóng” cho doanh nghiệp Việt
Cơ hội tham gia sàn Amazon là không nhỏ, nhất là khi theo khẳng định của ông Gijae Seong, tất cả các mặt hàng của Việt Nam đều có cơ hội “lên kệ” Amazon, Amazon cũng “không giới hạn ngành hàng” và “cam kết luôn ủng hộ các doanh nghiệp Việt Nam”. Song thực tế, chính ông Gijae Seong cũng thừa nhận, vẫn còn những vấn đề cần hoàn thiện để doanh nghiệp Việt “lên sàn” thuận lợi, như nhận thức về thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt chưa đầy đủ, thiếu kinh nghiệm về xuất khẩu xuyên biên giới…
“Doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi về các cơ hội kinh doanh với Amazon, cần biết nhu cầu của khách hàng quốc tế là gì, cách thiết kế một sản phẩm, kể cả các vấn đề liên quan đến thị trường quốc tế, đến các đối thủ cạnh tranh…”, ông Gijae Seong nói.
Tất cả những vấn đề này đang được kỳ vọng sẽ sớm được giải quyết, khi tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Amazon sẽ bắt tay hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt muốn làm ăn với Amazon.
Trong đó, có 3 chương trình sẽ do NIC thực hiện. Trong chương trình đầu tiên, hai bên sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp phát triển kinh doanh với Amazon, với mục tiêu là lựa chọn và hỗ trợ thành công 50 doanh nghiệp triển khai kinh doanh với Amazon.
Chương trình thứ hai, NIC và Amazon sẽ nghiên cứu định hướng, phối hợp đồng tổ chức các hoạt động về xuất khẩu và xây dựng thương hiệu Việt trên Amazon. Trong khuôn khổ chương trình này, sẽ có một loạt hội thảo, hội thảo trực tuyến được tổ chức để kết nối, trao đổi thông tin, thảo luận về các cơ hội xuất khẩu, hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và Amazon.
Với chương trình thứ ba, Amazon sẽ cử chuyên gia cung cấp thông tin, chia sẻ về cơ hội, cũng như tổ chức các chương trình đào tạo giúp doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa qua Amazon...
Ngoài 3 chương trình hợp tác với NIC, Amazon còn hợp tác với Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện Chương trình “Bệ phóng 90 ngày cùng Amazon”, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon, từng bước xây dựng được thương hiệu của mình trên thị trường tiêu dùng quốc tế.
Thông tin cho biết, với mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp, cả NIC và Cục Phát triển doanh nghiệp sẽ giới thiệu các doanh nghiệp phù hợp để Amazon có thể hỗ trợ đào tạo, tư vấn bán hàng xuyên biên giới trên nền tảng Amazon.