Đầu tư vào các quỹ ETF đang là xu hướng thời thượng. |
Hiệu suất đầu tư vượt trội
Nhìn thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai, ông Peerapong Jiraseweejinda, Giám đốc điều hành Bualuang Asset Management Co., Ltd. (Bualuang Fund) không bỏ lỡ việc đưa cổ phiếu Việt Nam vào danh mục đầu tư dài hạn. Quyết định ra mắt Quỹ Bualuang Vietnam Equity Fund (hay còn gọi là B-VIETNAM) đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam mới đây là minh chứng.
Trong đợt IPO vừa qua, chứng chỉ Quỹ B-VIETNAM đã thu hút giá trị đăng ký mua lên đến 1.759,59 triệu baht, tương đương 1.192 tỷ đồng.
Với quy mô vốn khoảng 2 tỷ baht (hơn 1.355 tỷ đồng), nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ quỹ với giá trị tối thiểu là 500 baht (khoảng 339.000 đồng).
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 40.080 tỷ đồng (so với giá trị bán ròng 5.616 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020 và 19.310 tỷ đồng trong cả năm 2020).
Danh mục của Quỹ tập trung đầu tư vào các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như chứng khoán niêm yết có hoạt động kinh doanh liên quan, bao gồm các đơn vị CIS (Commonwealth of Independent States) và các quỹ ETF tập trung vào thị trường Việt Nam. Các khoản đầu tư này chiếm tối thiểu 80% giá trị tài sản ròng của Quỹ.
Việc xây dựng danh mục đầu tư của B-VIETNAM tập trung vào những cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng đô thị hóa đang ngày càng mở rộng, làn sóng phát triển công nghệ cũng như những lĩnh vực “ăn theo” từ dòng vốn đầu tư quốc tế. Trong đó, có thể kể đến hai đại diện nổi bật là VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và cổ phiếu FPT của CTCP FPT.
Đối với khoảng 20% còn lại, B-VIETNAM có thể đầu tư vào các tài sản, các công cụ thu nhập cố định, tiền gửi hoặc chứng khoán trong nước và quốc tế, bao gồm các công cụ phái sinh tùy thuộc vào quyết định của người quản lý và cấu trúc quỹ. Bên cạnh đó, Quỹ cũng có thể đầu tư vào các công cụ đầu tư của các quỹ tương hỗ thuộc cùng cơ quan quản lý.
Cách đây 4 năm, Bualuang Securities cũng đã phát hành chứng chỉ lưu ký (DR) với tài sản là chứng chỉ quỹ DCVFM VN30 ETF (E1VFVN30 ETF). Hiện quy mô DR E1VFVN30 ETF mà Bualuang Securities nắm giữ vào khoảng 5.000 tỷ đồng, tương đương 1/2 danh mục quỹ DCVFM VN30 ETF.
Trước đó, Pyn Elite Fund, quỹ đầu tư chuyên tập trung vào thị trường Thái Lan, đã rút toàn bộ danh mục khỏi quốc gia này để chuyển hướng sang đầu tư 100% tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Thái Lan tham gia khá sôi động vào các thương vụ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp như Sabeco, Nhựa Bình Minh…
Theo ông Peerapong, hai yếu tố quan trọng để đầu tư vào thị trường Việt Nam là tốc độ tăng trưởng kinh tế và cơ cấu nhân khẩu học đều đang thúc đẩy cơ hội phát triển tại Việt Nam nằm trong top đầu ASEAN. Việt Nam đã có các biện pháp tốt để đối phó với Covid-19, thu hút xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ khắp nơi trên thế giới, giúp giá trị thị trường chứng khoán tăng trưởng liên tục kể từ năm 2020.
Thống kê cho thấy, các quỹ đầu tư đến từ Thái Lan đã có hiệu suất khá tốt từ đầu năm tới nay, với mức sinh lời 30 - 50%, vượt trội so với mức tăng trưởng của thị trường chung.
Trong số các quỹ Thái Lan đang đầu tư tại Việt Nam, PRINCIPAL VNEQ-A (Principal Vietnam Equity Fund) là tên tuổi nổi bật nhất, với mức tăng trưởng gần 51% từ đầu năm tới nay. Đây là quỹ có hiệu suất tốt nhất trong nhóm quỹ Thái Lan được thống kê.
Tiếp theo là 2 quỹ do ASP quản lý, bao gồm ASP-VIETRMF, tăng trưởng 45,61% và ASP-VIET, tăng trưởng 43,87%.
Một quỹ khác là K-VIETNAM (K Vietnam Equity Fund) do Kasikorn Asset Management quản lý, cũng có hiệu suất đầu tư lên tới 38,4% từ đầu năm tới nay.
Danh mục K-VIETNAM hiện có giá trị 5,1 tỷ bath (khoảng 3.500 tỷ đồng), quỹ này chuyên đầu tư vào các cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường Việt Nam như MSN, VHM, HPG, VIC, VNM…
Xu hướng đầu tư thời thượng
Theo ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam, các lý do để doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam, ngoài chính trị ổn định, kiểm soát được Covid-19, thì Việt Nam còn có lực lượng lao động dồi dào, chất lượng, các ưu đãi đầu tư hấp dẫn, thị trường nội địa với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo sức mua lớn, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng.
Trong đó, ngoài rót vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư vào các quỹ ETF đang là xu hướng thời thượng. Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho rằng, các quỹ ETF xuất hiện trên thị trường thời gian gần đây giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn cho danh mục đầu tư của mình. Sự gia tăng về quy mô và hiệu quả đầu tư là minh chứng cho thấy các quỹ ETF sẽ ngày càng phát triển, trở thành công cụ hữu ích cho các nhà đầu tư.
Những thách thức trong ngắn hạn sẽ khiến thị trường chứng khoán có nhiều biến động và ảnh hưởng đến lợi suất của các quỹ đầu tư, một số nhà đầu tư đã bán ròng. Song, theo bà Hằng, việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua chỉ là nguyên tắc quản lý rủi ro của các quỹ/tổ chức nước ngoài khi xảy ra các sự kiện rủi ro lớn như Covid-19, cùng với một số đánh giá về việc mặt bằng giá của thị trường đã tăng cao so với đầu năm.
“Đó không phải là hoạt động cắt lỗ và rút vốn khỏi thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài, mà chỉ là kỷ luật trong giảm thiểu rủi ro và chốt lời của hoạt động quản lý quỹ chuyên nghiệp”, bà Hằng cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các quỹ ngoại chắc chắn sẽ giải ngân mạnh mẽ khi nhìn thấy cơ hội tiềm năng, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần mau chóng mở cửa trở lại nền kinh tế.