Ông Đoàn Nguyên Đức |
Theo tài liệu Đại hội cổ đông 2016 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG), Hội đồng quản trị đặt kế hoạch kinh doanh năm 2016 với 5.838 tỷ đồng doanh thu thuần, 737 tỷ đồng lợi nhuận gộp và lỗ 1.191 tỷ đồng cho cả năm.
Con số lỗ 1.191 tỷ đồng này bằng với kết quả 6 tháng đầu năm của tập đoàn vừa công bố cách đây ít ngày. Điều này đồng nghĩa trong 6 tháng cuối năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai không kỳ vọng lợi nhuận mà chỉ đặt mục tiêu không thua lỗ thêm.
Đối với Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HNG), lãnh đạo doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu tương tự khi mức lỗ kỳ vọng chỉ dừng ở 559 tỷ đồng như thời điểm kết thúc quý II. Để đạt được kế hoạch này, công ty dự kiến cần phải đạt mức doanh thu thuần 4.309 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 450 tỷ.
Năm ngoái, tuy bắt đầu gặp một số khó khăn và lợi nhuận sụt giảm bằng nửa năm trước đó, song HAG vẫn đạt mức lợi nhuận sau thuế hơn 600 tỷ và HNG là hơn 700 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 15/9 tới, lãnh đạo HAG cũng dự kiến trình cổ đông các kế hoạch tiếp tục triển khai dự án bất động sản tại Myanmar và phát triển ngành nông nghiệp, đồng thời sẽ thanh lý các dự án thủy điện tại Lào. Dự án Thủy điện Nậm Kông 2 đang được xây dựng và hoàn thiện, còn Nậm Kông 3 vẫn trong quá trình đầu tư xây dựng đều đang được tập đoàn đàm phán với đối tác để thanh lý.
Lãnh đạo HAG cũng nhận định do diễn biến giá cổ phiếu không được thuận lợi nên việc phát hành tăng thêm nguồn cung cổ phiếu sẽ không mang lại lợi ích cho cổ đông nên trình đại hội xem xét và thông qua việc không thực hiện chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu.
Một nội dung cũng rất quan trọng khác là lãnh đạo HAG sẽ trình và xin ý kiến Đại hội thông qua việc ủy quyền cho HĐQT xây dựng và phê duyệt Đề án tái cấu trúc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (giai đoạn 2016–2026) nhằm lấy cơ sở để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại các khoản nợ của công ty.
Cách đây vài ngày, trong văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo HAG cho biết đang trực tiếp thương lượng với các chủ nợ nhằm tìm giải pháp cho tình hình tài chính của tập đoàn. Nội dung các buổi thảo luận chính bao gồm việc tái cơ cấu, hoán đổi gia tăng thời gian trả nợ gốc đối với sư nợ tín dụng và trái phiếu lên tối thiểu 3–15 năm.
Tính đến 30/6, tổng các khoản vay của tập đoàn này lên tới 26.683 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngân hàng và trái phiếu. Các khoản vay đến kỳ hạn trả lên tới 5.465 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV, Eximbank, Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Sacombank, VPBank… là các chủ nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai.