. |
1. Bạn sẽ bán sản phẩm hay dịch vụ gì?
Nghe đơn giản, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng có câu trả lời chuẩn xác cho câu hỏi này. Để trả lời, bạn cần đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu và luôn ghi nhớ rằng, khách hàng khát nước, nhưng chưa chắc thèm cà phê của bạn!
2. Thực sự có thị trường cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn không?
Bạn không thể dùng giả định của bản thân để khẳng định về nhu cầu của thị trường. Ví dụ, việc bạn đang có một vấn đề nào đó cần giải quyết chưa hẳn là một nhu cầu của thị trường.
3. Nếu ý tưởng kinh doanh của bạn khả thi thì bạn phải làm gì để có thể bảo vệ được ý tưởng đó?
Nên nhớ, nếu bạn làm được thì những người khác cũng có thể làm được. Thậm chí, người đi sau bắt chước bạn có thể làm tốt hơn bạn.
4. Bạn cần có kỹ năng gì để thực hiện ý tưởng của mình?
Về cơ bản, tốt nhất, bạn cần có kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực định kinh doanh. Tuy nhiên, nếu đó là một ý tưởng đột phá hoặc rất khả thi, nhưng bạn chưa có đủ kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, thì bạn có thể cân nhắc việc mời hay thuê người khác làm cộng sự, đối tác hay nhân viên của bạn. Trong trường hợp này, bạn cần biết phải làm gì để bảo vệ ý tưởng kinh doanh và để không quá phụ thuộc vào kỹ năng của đối tác.
5. Đối thủ cạnh tranh của bạn là ai?
Việc hiểu rõ về đối thủ cạnh tranh là hết sức cần thiết. Hiểu biết về đối thủ cạnh tranh không chỉ dừng ở mức liệt kê được tên của các nhà hàng trong khu vực mình định mở tiệm phở, mà bạn cần phải biết chi tiết về từng đối thủ: họ đang bán gì, bán cho ai và bán như thế nào.
6. Bạn khác với đối thủ cạnh tranh như thế nào?
Sau khi hiểu rõ về đối thủ cạnh tranh, bạn hãy nhìn lại ý tưởng kinh doanh của mình xem có điểm gì khác biệt. Sẽ khó thành công nếu bạn đi sau, nhưng lặp lại những thứ người đi trước đã làm.
Bạn cần phải xác định được USP (unique selling point - giá trị khác biệt mà bạn tạo ra cho khách hàng so với các đối thủ cạnh tranh) của bạn là gì? USP của bạn có thể là giá rẻ hơn, chất lượng phục vụ cao hơn, hay là một sản phẩm, dịch vụ gì đó lần đầu tiên có mặt trên thị trường. USP là điểm quyết định phần lớn thành bại của một doanh nghiệp.
7. Bạn có khả năng tài chính để khởi sự kinh doanh hay chưa?
Đa số các bạn trẻ khởi nghiệp đều gặp khó khăn về vốn. “Ý tưởng dù hay đến đâu cũng sẽ mãi chỉ là ý tưởng, nếu không có tiền để thực hiện. Vậy thì tiền ở đâu ra? Trước hết, phải là toàn bộ tiền bạn đã tiết kiệm được. Tiếp đó là sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, những người thân thích, rồi mới đến các khoản vay từ ngân hàng và các nhà đầu tư thiên thần.
Gia đình, bè bạn là những nhà đầu tư đầu tiên, nhưng họ cũng không góp tiền cho bạn nếu chưa thấy yên tâm. Ngân hàng sẽ không cho bạn vay nếu thấy kế hoạch kinh doanh không khả thi. Trong khi đó, các nhà đầu cũng sẽ khó có thể tài trợ vốn, nếu thấy bạn chưa “đánh cược” toàn bộ bản thân cho khởi nghiệp.