Sức khỏe doanh nghiệp
Becamex IJC đặt mục tiêu doanh thu 1.634 tỷ đồng, tiếp tục trông chờ vào thu phí giao thông
Lê Quân - 09/04/2023 16:58
Dự báo tình hình kinh tế còn khó khăn, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC, mã IJC) đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 là 1.634 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022.

Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC, mã IJC) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Becamex IJC đang thực hiện thu phí giao thông quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

Báo cáo với Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng Quản trị (HĐQT) công ty dự báo năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và khu vực vẫn nhiều khó khăn, thách thức.

Trên cơ sở nhận định những thuận lợi và khó khăn về tình hình kinh tế trong nước cũng như đánh giá triển vọng phát triển kinh tế tại địa bàn tỉnh Bình Dương, HĐQT đề ra các mục tiêu với tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến là 1.634 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản là 800 tỷ đồng, giảm 31% so với thực hiện năm 2022, Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 267 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2022. Các dự án dự kiến triển khai đưa vào kinh doanh trong năm nay chủ yếu là các dự án tại khu vực phường Hòa Phú, thành phố mới Bình Dương.

Đối với mảng thu phí giao thông, doanh thu năm 2023 dự kiến là 312 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 173 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2022.

Đối với các mảng kinh doanh khác như cho thuê nhà, hoạt động xây dựng… doanh thu năm 2023 dự kiến là 522 tỷ đồng, tương đương năm 2022.

Như vậy, doanh thu đến từ các mảng hoạt động của Becamex IJC năm 2023 chỉ duy nhất doanh thu từ mảng thu phí giao thông là dự kiến tăng so với năm trước. Các mảng còn lại doanh thu dự kiến giảm hoặc bằng năm 2022.

Về lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất là 624 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 2% so với năm 2022.

Tại đại hội, một số cổ đông đặt câu hỏi về nợ quá hạn 6 tháng của công ty tăng so với năm trước thuộc dự án nào, đối tác nào?  Trả lời câu hỏi này ông Trịnh Thanh Hùng, Tổng giám đốc Becamex IJC cho biết, các khoản nợ quá hạn chủ yếu từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Năm 2022 do ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tín dụng các khách hàng mua bất động sản không thể thu xếp được các khoản vốn để thanh toán đúng hạn cho công ty.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, các khoản nợ quá hạn này, công ty thực hiện thu lãi chậm thanh toán theo quy định trong hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Theo quy định, khách hàng thanh toán 95% giá trị hợp đồng công ty mới tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, nếu khách hàng vi phạm các điều khoản quy định trong hợp đồng khi thanh lý hợp đồng công ty sẽ thu tiền lãi chậm thanh toán, phạt vi phạm hợp đồng sau đó bán lại cho khách hàng mới. Do đó khoản nợ quá hạn này công ty không trích lập dự phòng nợ phải thu quá hạn.

Đối với phương án chào bán thêm 125,92 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 1.259 tỷ đồng nhằm tăng vốn điều lệ.

Lãnh đạo của Becamex IJC cho biết, nguồn tiền thu được từ việc phát hành cổ phiếu sẽ dùng để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông hoặc các dự án khác. Đồng thời, thực hiện đầu tư góp vốn vào các công ty tiềm năng nhằm triển khai các hoạt động kinh doanh phù hợp với chủ trương phát triển.

Ngoài ra, Becamex IJC sẽ dùng để thanh toán nợ gốc và/hoặc lãi vay ngắn và dài hạn, thanh toán các khoản nợ vay gốc và/hoặc lãi trái phiếu và/hoặc các khoản nợ khác và bổ sung vốn kinh doanh.

Sau khi giải đáp các thắc mắc của cổ đông, đại hội thông qua các tờ trình, báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022; kế hoạch kinh doanh năm 2023; phương án phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức năm 2022, kế hoạch phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức năm 2023; phương án chào bán thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ; điều chỉnh dự án đầu tư Khu nhà ở Sunflower II (mở rộng).  

Tin liên quan
Tin khác