Ông Cao Văn Trọng- Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với các nhà đầu tư, nhằm tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư năng lượng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
. |
Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt, tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh được nghiên cứu ở vùng đất liền ven biển và vùng bãi bồi ven biển với vị trí cách bờ xa nhất là 12 km, tiềm năng nghiên cứu quy hoạch của Bến Tre diện tích gần 40.000ha, quy mô công suất 1.520 MW.
Hiện Bến Tre đã phê duyệt và triển khai 06 nhà máy điện gió với tổng công suất 179,7 MW gồm: Nhà náy điện gió số 2, Nhà máy điện gió số 5 và Nhà máy điện gió Thanh Phong đóng trên địa bàn huyện Thạnh Phú, Nhà máy điện gió số 7 (huyện Ba Tri), Nhà máy điện gió số 9, Nhà máy điện gió số 10 (huyện Bình Đại). Bên cạnh còn có 2 dự án khí LNG đang hoàn thiện thủ tục để triển khai đầu tư vào 2021.
Ngoài ra còn có 7 dự án điện mặt trời, nhưng cơ chế ưu đãi phát triển dự án điện mặt trời đã hết hiệu lực, quỹ đất của địa phương còn hạn chế nên việc phát triển điện mặt trời chỉ ở mức tương đối . Do vậy Bến Tre hiện chỉ tập trung tuyên truyền chủ trương phát triển điện mặt trời trên mái nhà là chủ yếu. Bến Tre còn có 13 dự án điện gió vừa được Thủ tướng chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch theo văn bản số 795/TTg-CN ngày 25/06/2020 về bổ sung danh mục dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực.
Ông Nguyễn Văn Niệm, Phó giám đốc sở Công thương Bến Tre cho biết, mặc dù chủ đầu tư 6 dự án điện gió có quyết tâm và cam kết thời gian hoàn thành tiến độ đóng điện nhưng hiện các dự án triển khai rất chậm do phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, yêu cầu công nghệ và giải pháp kỹ thuật theo quy định phức tạp, nhất là đều gặp vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, phương án đấu nối chưa thống nhất, đa số còn phụ thuộc vào tiến độ các công trình của EVN Đầu tư. Hơn nữa,do thi công trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp...Chưa kể một số nhà đầu tư chưa đủ năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm còn hạn chế...làm chậm tiến độ dự án.
Theo ông Châu Văn Bình- Giám đốc sở Công thương Bến Tre, để đẩy nhanh tiến độ các dự án trên, chủ đầu tư cần phối hợp với ubnd các huyện trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đảm bảo chính sách đền bù theo quy định, tránh tự thỏa thuận giá đền bù riêng lẻ với các hộ dân, đồng thời giữa các nhà đầu tư nên có sự phối hợp trong công tác đấu nối, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong đấu nối chung liên hoàn và đồng bộ các dự án.
Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, ông Cao Văn Trọng cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là xu thế tất yếu hiện nay và trong tương lai, đồng thời cũng phù hợp với định hướng phát triển năng lượng điện của Chính phủ. Do đó, chính quyền, các ngành chức năng và các địa phương Bến Tre cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tuy nhiên, tỉnh Bến Tre cũng yêu cầu các nhà đầu tư vừa được Thủ tướng chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực cần có sự bàn bạc thống nhất về đấu nối chung đường dây 220 KCN khu vực Thạnh Phú và Bình Đại, trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm quyền lợi giữa các chủ đầu tư, đồng thời tham gia đề xuất thi công các hạng mục của EVN để đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện, đi kèm là một số cơ chế ưu tiên. Đối với các dự án đã trình trước đây nhưng chưa được bổ sung quy hoạch, cần cam kết thời gian cụ thể, nếu không được bổ sung sẽ phải thu hồi.