Lan tỏa "Đồng khởi khởi nghiệp"
Chương trình số 10-CTr/TU ngày 28/4/2017 của Tỉnh ủy Bến Tre đặt mục tiêu khơi dậy tinh thần lập nghiệp, khởi nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, người dân Bến Tre có mức sống ngang bằng với bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành lập 500 doanh nghiệp khởi nghiệp, thành lập mới 2.500 doanh nghiệp các loại, mỗi năm có 5.000 - 7.000 hộ cá thể mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm.
Ngày hội “Bến Tre - Đồng khởi khởi nghiệp” vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự. |
Cụ thể, Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp được thiết kế gồm 3 nội dung cốt lõi.
Một là, tổ chức các hoạt động truyền thông khởi nghiệp, giáo dục khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; tổ chức đào tạo về khởi nghiệp; thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp để chọn ra những ý tưởng, dự án khởi nghiệp khả thi nhằm khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tính năng động, sáng tạo trong sản xuất, lao động của mọi người dân Bến Tre; tạo niềm tin, tâm lý không ngại thất bại, dám nghĩ, dám làm để làm giàu và thoát nghèo.
Hai là, tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể để ổn định sản xuất và nâng dần quy mô, chất lượng; phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp đang hoạt động, từ đó, từng bước hình thành nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về năng lực sản xuất, kinh doanh trên từng ngành, lĩnh vực, tạo vị thế trên thị trường và chiếm giữ thị phần cao trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu.
Ba là, khởi nghiệp thoát nghèo hay tạo sinh kế bền vững cho người nghèo tỉnh Bến Tre, nhằm khơi dậy tính tự lực mưu sinh trong nhân dân, trong đó, tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo biết biến những suy nghĩ, ý tưởng làm ăn, sản xuất thành hiện thực để tự thoát nghèo; không ỷ lại, mà tích cực tạo ra sinh kế qua những hỗ trợ căn cơ, bài bản của chính quyền, doanh nghiệp và các đoàn thể.
Để triển khai thực hiện chương trình này, Bến Tre đã thành lập Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, do ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre làm Chủ tịch; cùng 5 ban giúp việc. Với bộ máy được tổ chức khoa học, Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đã vận hành khá đồng bộ, hiệu quả.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bến Tre vào tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rất cao tinh thần đổi mới, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, đặc biệt là chủ trương xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, với phong trào Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là tư duy rất mới, xóa bỏ lối mòn trong quản lý điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn trong phát triển và mở rộng sản xuất - kinh doanh. Tinh thần này rất đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng sang các địa phương khác trong cả nước.
Quả ngọt đầu mùa
Có thể nói, qua gần 2 năm nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, tỉnh Bến Tre đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và thực chất trong việc kiến tạo môi trường khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư và mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Theo kết quả báo cáo của Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, tỉnh đã tổ chức thành công Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ nhất, với 67 ý tưởng/dự án tham gia; 2 cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp cấp huyện; phát động cuộc thi tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp huyện Mỏ Cày Bắc; bồi dưỡng và giới thiệu các dự án khởi nghiệp tham dự Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức; 100% trường trung học phổ thông cũng đã triển khai môn học “Tìm hiểu kinh doanh” tích hợp vào một số môn học như công nghệ, hoạt động giáo dục hướng nghiệp để giảng dạy.
Tổ chức Seed To Table (Nhật Bản) đã tài trợ chuyển giao công nghệ trồng rau hữu cơ tại Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Thạnh Phú) và THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Mỏ Cày Nam), đã góp phần xây dựng được mô hình giáo dục khởi nghiệp trải nghiệm thực tế, hiệu quả; hành trình “Ươm mầm khởi nghiệp tuổi trẻ xứ dừa” được tổ chức tại tất cả các trường trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bến Tre triển khai Đề án “Tôi chọn nghề” với hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham quan thực tế, gặp gỡ các doanh nhân để hình thành ý tưởng khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp được các ngành và địa phương quan tâm thực hiện. Ðến nay, tỉnh đã tổ chức được 56 khóa tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp với hơn 3.700 học viên tham dự...
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp được thực hiện trên diện rộng với hàng ngàn lượt doanh nghiệp/hộ kinh doanh tham gia; 95 ý tưởng/dự án khởi nghiệp được hỗ trợ với kinh phí 1,236 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư khởi nghiệp, nguồn xã hội hóa, qua đó, có 12 dự án phát triển ổn định và đã thành lập doanh nghiệp.
Song song với các hoạt động trên, tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Tính đến cuối tháng 11/2017, có 125 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp; ước tính đến cuối năm nay, có gần 5.000 hộ kinh doanh thành lập mới, 540 doanh nghiệp và 180 chi nhánh doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (không bao gồm văn phòng đại diện), tăng 39% về số lượng doanh nghiệp và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước. Năm 2017 là năm Bến Tre có số lượng doanh nghiệp thành mới cao nhất trong các năm qua.
Hướng đến xây dựng Bến Tre thành “địa phương khởi nghiệp”
Năm 2018, Bến Tre đặt mục tiêu thành lập mới 6.000 hộ kinh doanh cá thể; phát triển mới 700 doanh nghiệp; thành lập mới 13 hợp tác xã, 145 tổ hợp tác; tổ chức ít nhất 50 lớp đào tạo, tập huấn cho cá nhân/doanh nghiệp khởi nghiệp, cán bộ làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp, giáo viên giảng dạy môn kinh doanh ở các trường trên địa bàn tỉnh; tổ chức 4 diễn đàn khởi nghiệp; thành lập mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre; tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập Vườn ươm Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre; xây dựng mô hình quản lý phù hợp cho loại hình doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Phấn đấu vận động Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre đạt 23 tỷ đồng (tương đương 1 triệu USD).
Ông Lê Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre chia sẻ: "Với những kết quả bước đầu trong việc triển khai thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp trong gần 2 năm qua, trong năm 2018, Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục nỗ lực để xây dựng Bến Tre thành “địa phương khởi nghiệp”; đẩy mạnh khởi nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa, ứng dụng khoa học và công nghệ gắn với thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” để tận dụng lợi thế và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Tiếp tục tạo lập môi trường khởi nghiệp thông thoáng, tạo điều kiện cho khởi nghiệp sáng tạo phát triển dựa trên nền tảng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh; phát huy vai trò của các tổ chức trong cộng đồng khởi nghiệp tỉnh".
Có thể nói, với những bước đi sáng tạo, đúng hướng trên cơ sở phát huy tinh thần cách mạng ở địa phương, Bến Tre đã đưa Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp vào thực chất, hướng đến “địa phương khởi nghiệp” trên bản đồ khởi nghiệp quốc gia.